Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Đăng ngày: 10-05-2024 | Lượt xem: 1602
Sáng ngày 10/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội nghị đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Hoàng Đức Cường báo cáo về Tình hình thiên tai KTTV năm 2023 và các tháng đầu năm 2024; công tác dự báo phục vụ và dự báo xu thế thiên tai KTTV đến cuối năm 2024. Cụ thể:

Về Tình hình thiên tai KTTV năm 2023 và các tháng đầu năm 2024

Trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino, trên cả nước đã xảy ra 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (05 cơn bão và 03 ATNĐ), 25 đợt không khí lạnh, 20 đợt nắng nóng diện rộng, tình trạng thiếu nước đã xảy ra ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 01-7/2023 phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 10-80%; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng, 13 đợt lũ ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên; lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên phạm vi 35 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.

Nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với TBNN từ 0,5-1,50C. Những tháng đầu năm 2024, đã xuất hiện rất nhiều mưa dông kèm mưa đá, tính đến ngày 07/5 trên cả nước đã xuất hiện 72 trận mưa đá, trong đó tỉnh Nghệ An là tỉnh có số lần xảy ra mưa đá nhiều nhất trên cả nước với 11/72 trận mưa đá; mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.

Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50-60%, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 25-50%.

Xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024 đã đến sớm và gay gắt hơn TBNN và năm 2022-2023. Các đợt xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ tại một số khu vực chưa có điều kiện tiếp cận nguồn cấp nước tập trung tại một số tỉnh ven biển.

Về Công tác dự báo phục vụ

Ngay từ đầu năm 2023, nhận định hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%, cho thấy khả năng lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới Bộ TNMT đã ban hành Kế hoạch ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2023-2024. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị dự báo El Nino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô 2023-2024 ở khu vực Nam Bộ. Các địa phương ở Nam Bộ đã chủ động ứng phó và giảm nhiều thiệt hại. Các tháng đầu năm 2024, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai định kỳ và chuyên đề về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, thiếu nước phục vụ các cơ quan chỉ đạo điều hành và cung cấp thông tin cho nhân dân chủ động phòng tránh.

Về Dự báo xu thế thiên tai KTTV đến cuối năm 2024

Hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024. BĐKH tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan (gồm cả tối thấp và tối cao) nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai KTTV phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khả giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; ứng dụng công nghệ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo; duy trì và phát triển các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn  tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube,...

Rà soát điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa, trong đó kiến nghị sửa đổi một số điều trên một số lưu vực sông để giải quyết các tồn tại, bất cập và theo hướng linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa trong tích nước phục vụ sản xuất điện và cấp nước hạ du.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: