4 nhiệm vụ trọng tâm ứng phó bão Talim

Đăng ngày: 17-07-2023 | Lượt xem: 1616
Sáng 17.7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với 27 địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác ứng phó với cơn bão số 1 (bão Talim).

Các đại biểu dự họp trực tuyến toàn quốc về ứng phó với cơn bão số 1 tại điểm cầu Hải Dương

Các đại biểu dự họp trực tuyến toàn quốc về ứng phó với cơn bão số 1 tại điểm cầu Hải Dương

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng, lãnh đạo một số sở, ngành, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã dự tại điểm cầu Hải Dương.

Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo về tình hình ứng phó với bão số 1, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hoan nghênh các ngành, địa phương đã chủ động lên phương án ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão. Phó Thủ tướng nhấn mạnh bão Talim là cơn bão mạnh, khả năng gây ảnh hưởng lớn, trực tiếp vào các tỉnh, thành phố Quảng Ninh - Hải Phòng, khởi động cho mùa mưa bão năm nay, nên các ngành địa phương cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 1. Ngay cả khi chưa có chỉ đạo mới cần bám sát công điện này để chủ động ứng phó với diễn biến của bão.

Với mục tiêu không để thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm không chủ quan lơ là, chủ động linh hoạt, phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất có thể để ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của bão.

Phát biểu ngay sau cuộc họp trực tuyến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương bám sát công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp trực tuyến và công điện của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương về ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng yêu cầu các ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống lụt bão, chuẩn bị đầy đủ vật tư, lực lượng theo tinh thần "4 tại chỗ"; chủ động dự báo tình huống xấu xảy ra để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Dự báo bão số 1 gây mưa lớn trên địa bàn Hải Dương với lượng mưa phổ biến từ 150-250 mm từ đêm 17 đến ngày 22.7, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng yêu cầu các địa phương chủ động chống úng ngập khu vực đô thị, tháo gạn nước đệm, chuẩn bị bơm tiêu úng cho diện tích lúa đã gieo cấy và chuẩn bị mạ trong trường hợp phải cấy lại. Chủ động thu hoạch sớm diện tích dưa lê, dưa hấu, hoa màu đến kỳ thu hoạch. Quan tâm các biện pháp bảo vệ an toàn lồng cá trên sông hoặc nước lũ làm cá lồng bị chết. TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức ứng trực, trực ban, báo cáo kịp thời các sự cố và xử lý sự cố ngay từ giờ đầu để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

VĂN NGHIỆP

Bão số 1 giật cấp 15 tiếp tục di chuyển về phía Hải Phòng, Quảng Ninh

Vị trí tâm bão lúc 9 giờ ngày 17.7 khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 112.8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng, Thủy văn quốc gia dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.

19 giờ ngày 18.7 bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, 15-20 km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền khu vực phía Đông Bắc Bộ.

7 giờ ngày 19.7 bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, 15-20 km/h, tiếp tục suy yếu dần thành vùng áp thấp trên đất liền khu vực Việt Bắc.

Do tác động của bão số 1, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.

Từ khoảng chiều 17.7, Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.

Trên đất liền: Từ gần sáng 18.7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Nước dâng, sóng lớn. Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 6-8m.

Từ sáng 18.7, vùng biển Vịnh Bắc Bộ có sóng tăng dần, cao 2-4m, phía Bắc 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định sóng biển cao 2-4m.

Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng có nước dâng do bão từ 0,5-0,7m, mực nước tổng cộng cao từ 2,3-2,9m. Nguy cơ cao ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển do tác động kết hợp của triều cường và sóng lớn vào chiều 18.7.

Theo VOV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/4-nhiem-vu-trong-tam-ung-pho-bao-talim-240199

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: