Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 08-07-2021 | Lượt xem: 854
Ngày 07/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2021.

Các loại hình thiên tai được nêu trong Thông tư gồm có: Lũ, ngập lụt, nước dâng; bão; sạt lở đất, lũ quét; hạn hán, xâm nhập mặn; lốc, sét, mưa đá; cháy rừng do tự nhiên.

Theo đó, trình tự xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai bao gồm 4 bước:  Rà soát, thu thập tài liệu; điều tra, khảo sát số liệu cơ bản. Xác định, đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp. Xây dựng dự thảo kế hoạch phòng, chống thiên tai; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo và  Ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai: Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt, ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp mình.

Căn cứ theo trình tự trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những hướng dẫn cụ thể đối với từng cấp ở địa phương.

Biện pháp cơ bản phòng, chống thiên tai cấp tỉnh

Biện pháp ứng phó với thiên tai cấp tỉnh được hướng dẫn như sau:

Tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện phát thanh, truyền hình về dự báo, cảnh báo thời gian có khả năng xuất hiện thiên tai, thời tiết nguy hiểm. Đôn đốc nhân dân chằng chống nhà cửa, chuồng trại (đối với bão), sơ tán các hộ có nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai đến nơi ở an toàn theo phương án đã xây dựng; cắt tỉa cành cây, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo nhân dân thu hoạch sớm hoa màu, lúa, thủy sản để giảm thiểu thiệt hại. Chỉ đạo việc giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào các tuyến đường bị ngập sâu, các cống ngầm qua đường; khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất và các khu vực nguy hiểm khác. Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ phù hợp với khả năng nguồn nước. Chỉ đạo việc kiểm tra các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, hoàn thiện hệ thống kênh phục vụ tưới tiêu, quản lý phân phối nước tưới luân phiên, tiết kiệm nước, thực hiện bơm chống hạn ở những vùng có điều kiện đảm bảo nguồn nước chống hạn.

Sau thiên tai, cần triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả và tái thiết, cụ thể:

Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn, y tế tổ chức cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm về tính mạng, tìm kiếm người, phương tiện bị mất tích, ưu tiên các đối tượng dễ bị tổn thương. Lập các trạm cấp cứu lưu động hoặc phối hợp với địa phương trưng dụng các cơ quan, trường học cơ sở y tế tại các khu vực xảy ra thiên tai để tiếp nhận và sơ, cấp cứu người bị nạn. Xây dựng các lán trại tạm thời cho người bị mất nhà cửa, tiến hành cấp phát lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân.  Tổ chức thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, xác định nhu cầu hỗ trợ, đề xuất phương án khắc phục hậu quả kịp thời. Đề xuất kiến nghị hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, giống cây trồng, vật nuôi để kịp thời ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất. Vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đồng thời huy động lực lượng, đề xuất giải pháp khôi phục, sửa chữa, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, công trình công cộng.  Hỗ trợ người dân bị thiệt hại về người, dân sinh, sản xuất theo quy định. Phân bổ kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng bị thiệt hại sau thiên tai theo thứ tự ưu tiên. Tổ chức thực hiện các dự án, chương trình theo kế hoạch cập nhật mới, trong đó có dự án bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Biện pháp cơ bản phòng, chống thiên tai cấp huyện

Đối với cấp huyện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp ứng phó với thiên tai như sau: Tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện truyền thanh về dự báo, cảnh báo thời gian có khả năng xuất hiện thiên tai, thời tiết nguy hiểm. Đôn đốc nhân dân chằng chống nhà cửa, chuồng trại (đối với bão), sơ tán các hộ có nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai đến nơi ở an toàn theo phương án đã xây dựng; cắt tỉa cành cây, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo nhân dân thu hoạch sớm hoa màu, lúa, thủy sản để giảm thiểu thiệt hại. Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào các tuyến đường bị ngập sâu, các cống ngầm qua đường; khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất và các khu vực nguy hiểm khác. Chuyển đổi, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ phù hợp với khả năng nguồn nước. Thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu, quản lý phân phối nước tưới luân phiên, tiết kiệm nước, thực hiện bơm chống hạn ở những vùng có điều kiện đảm bảo nguồn nước chống hạn.

Sau khi xảy ra thiên tai cần triển khai ngay các biện pháp khắc phục, bao gồm:  Tiếp tục di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương. Xác định đối tượng cần được cứu trợ: Người bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe. Cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm. Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục.  Kiến nghị hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu để phục hồi sản xuất. Thực hiện các hoạt động tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường sau thiên tai. Lập kế hoạch và đề xuất sửa chữa, khôi phục, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, các công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại.

Biện pháp cơ bản phòng, chống thiên tai cấp xã

Tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Căn cứ tình hình, diễn biến thiên tai tại địa phương, tình hình nhân lực, vật tư và trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai, tiến hành xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại hình thiên tai cụ thể. Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai. Căn cứ tình hình thiên tai tại địa phương, đặc biệt các trận thiên tai lịch sử và đặc điểm về địa hình, địa chất của khu vực quản lý để xác định các khu vực nguy hiểm. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, vị trí khu vực nguy hiểm, xác định số lượng hộ dân cần sơ tán, khả năng sơ tán để lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án và chuẩn bị sơ tán khi có yêu cầu. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai, thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Tạp chí KTTV tổng hợp

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: