Cấp bách ứng cứu đê biển Tây

Đăng ngày: 12-08-2020 | Lượt xem: 1402
Mặc dù mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu nhưng nhiều nơi trên tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi đê đã vỡ. Nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời, nhiều nơi trên tuyến biển Tây có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Tiến Hải kiểm tra đê biển Tây và chỉ đạo các biện pháp xử lý

Nơm nớp lo vỡ đê

Mùa này, gió Tây Nam hoạt động mạnh. Trên vùng biển Cà Mau, Kiên Giang thường xuyên có gió mạnh, biển động, sóng lớn nên làm cho tuyến đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Mới đây, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 trên biển Đông, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao, gió lớn đã làm sạt lở 2 đoạn đê biển Tây với chiều dài trên 70m trên địa bàn ấp Cây Gõ (xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).

Ngay sau đó, cơ quan chức năng nhanh chóng huy động lực lượng kịp thời gia cố và hàn kính đê, nhưng vụ vỡ đê cũng đã làm nước mặn tràn vào, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Mặc dù đoạn đê bị vỡ đã được gia cố nhưng người dân vẫn nơm nớp lo vì hiện nay đang là mùa mưa bão.

Còn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, qua khảo sát thực tế, hiện toàn tuyến đê biển Tây có 3 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 2.998m. Cụ thể, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc, chiều dài sạt lở nguy hiểm khoảng 141m, trong đó có 60m đặc biệt nguy hiểm.

Đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa sạt lở khoảng 957m, đai rừng còn rất mỏng, thậm chí có đoạn không còn đai rừng. Đoạn từ Ba Tĩnh đến T25 sạt lở khoảng 1.900m. Các đoạn bị sạt lở, nếu vỡ đê xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, 1 trong 3 vị trí sạt lở nguy hiểm mới xuất hiện ven bờ biển Tây thuộc khu vực từ Ba Tĩnh đến T25. “Khu vực nêu trên, hiện đai rừng phòng hộ chỉ còn 12-25m nhưng phía bên ngoài chưa xây dựng kè. Vì thế, diễn tiến sạt lở đang diễn ra nhanh và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển, có khả năng gây vỡ đê nếu không triển khai các giải pháp ngay từ bây giờ”, ông Nam nhận định. Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau hiện đang triển khai một số công trình hộ đê khẩn cấp. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất lợi nên nhà thầu gặp khó trong việc triển khai thi công, dẫn đến công trình chậm tiến độ theo kế hoạch.

Xử lý, khắc phục các vị trí sạt lở 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung cho biết, sau sự cố vỡ đê khu vực xã Vân Khánh Tây, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục khẩn cấp ứng cứu đê. Hiện công tác khắc phục đang diễn ra khẩn trương nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực sạt lở. Còn về lâu dài, tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai kè ngầm tạo bãi phía bên ngoài, phá sóng từ xa, khôi phục lại rừng phòng hộ bảo vệ đê an toàn hơn.

Bên cạnh giải pháp công trình, tỉnh Kiên Giang cũng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở đê biển để chủ động phòng tránh, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn. Khắc phục và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân. Các đơn vị chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Trước tình hình đê biển Tây bị sạt lở và diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã trực tiếp đi khảo sát. Đồng chí Nguyễn Tiến Hải đánh giá: “Hiện nay, dù mới bước vào mùa mưa bão thế nhưng tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra rất nhanh. Chúng tôi đang rất lo tại những vị trí không có kè, trong khi đai rừng phòng hộ rất mỏng, thậm chí có nơi không còn rừng nữa. Tại những đoạn bị sạt lở, ngành chức năng địa phương đã điều động các phương tiện ra hộ đê. Thế nhưng với việc mưa to, sóng lớn thì điều kiện thi công cũng rất khó khăn”.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê, kè, cũng như xử lý, khắc phục ngay các vị trí sạt lở; chỉ đạo Sở NN-PTNT khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn tuyến đê biển Tây, báo cáo đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, cũng như cơ chế và nguồn vốn thực hiện đối với từng đoạn tuyến, đồng thời nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh báo cáo bộ, ngành trung ương về tình hình sạt lở trên tuyến đê biển Tây, qua đó đề xuất hỗ trợ tỉnh về giải pháp xử lý và nguồn kinh phí thực hiện.

Theo sggp.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: