Đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT ở trung tâm của các quyết định phát triển

Đăng ngày: 18-02-2021 | Lượt xem: 2009
“Phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Đây là quan điểm được xác định rõ tại Nghị quyết 06-NQ-CP ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/08/2019 của Bộ Chính trị.

*Đến năm 2025, phấn đấu giảm 30% thiệt hại về người do thiên tai

Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH; bảo đảm 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020. Chủ động phòng, chống triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các thành phố ven biển khác. Giảm 7,3% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng.

Để đạt được mục tiêu này, các nhiệm vụ cần thực hiện là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT. Đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế…

“Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Chương trình nêu rõ.

Cũng theo Chương trình hành động của Chính phủ, cần phải tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa dạng sinh học...; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật về BĐKH.

Tổng kết, đánh giá và xây dựng các chiến lược quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, tài nguyên nước, khoáng sản, lâm nghiệp, tài nguyên và bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển, , đa dạng sinh học, quản lý tổng hợp chất thải rắn...; xây dựng chiến lược sử dụng đất, chiến lược phát triển ngành TN&MT.

Xây dựng và thực hiện các quy hoạch liên quan đến phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; các hợp phần tài nguyên, môi trường trong các quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

*Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn

Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Đó là, tiếp tục xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH, thông qua việc xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu, ưu tiên nghiên cứu cơ bản về thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại. Xây dựng và thực hiện các chương trình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám.

Đồng thời, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn, như đánh giá rủi ro do BĐKH theo vùng, miền; cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Rà soát đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020”, đề xuất thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2030. Đầu tư các nhà máy, hệ thống cung cấp nước sạch, nghiên cứu xử lý nước mặn thành nước ngọt trên quy mô lớn, đồng thời chuyển đổi việc sử dụng nước dưới đất sang sử dụng nước mặt; thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới là: Cập nhật, cụ thể hóa Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng và cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai của cả nước và chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; rà soát, hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi, đất và các nguy cơ thiên tai khác.

Ảnh: Cần chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai

Khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập đang thi công ở Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung các giải pháp dần hình thành hệ thống chống ngập đồng bộ, hiệu quả. Triển khai các giải pháp chống ngập cho vùng lõi thành phố Cần Thơ.

Đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục đầu tư, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; phát triển thủy lợi, nâng cao khả năng tưới, tiêu nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, úng ngập nặng, nhất là ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC của Việt Nam đến năm 2030; cập nhật định kỳ 5 năm theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Tống Minh, Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: