Đề nghị bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù

Đăng ngày: 26-03-2020 | Lượt xem: 1225
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù.

Tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo cho biết, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với bổ sung 02 loại hình thiên tai mới và 03 loại công trình phòng tránh như Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung một số loại hình thiên tai như “cháy rừng”, “sương giá”, “triều cường”, “giông lốc”, “lún sụt”; cần chỉnh sửa khái niệm thiên tai trong Luật cho phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành đã quy định rõ “thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường, có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội..,” nên các hiện tượng tự nhiên không gắn với các tính chất trên sẽ không bị điều chỉnh trong Luật.

de nghi bo sung cha y ru ng do tu nhien la mot loai hinh thien tai dac thu
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học,  công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo (ảnh: Quốc hội)

Còn đối với “sương giá”, “triều cường”, “giông lốc”, “lún sụt” là các dạng thể hiện của các loại hình thiên tai đã được quy định trong Luật, như: triều cường là một dạng của ngập lụt, sương giá là kết hợp của sương muối và rét hại... Do vậy, xin phép Quốc hội không bổ sung các loại hình thiên tai này trong Dự thảo Luật.        

Đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai; việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp, về phòng, cháy chữa cháy. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài thì nguy cơ cháy rừng luôn ở mức độ cao (cấp IV- nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng, đồng thời ở nhiều tỉnh/thành.

Thực tế các vụ cháy rừng lớn đầu năm 2019 ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hà Tĩnh đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài và có tính chất nghiêm trọng. Việc khống chế các vụ cháy rừng này đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó. Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật, Braxin... đều xác định cháy rừng là một dạng thảm họa thiên nhiên.

Vì vậy, trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hạn có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao. Điều này đe dọa đến tính mạng, tài sản hơn 9 -10 triệu người dân sinh sống ở trong rừng và ven rừng và nhiều hệ lụy khác.

 Do vậy, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng, chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy. Việc quy định như vậy cũng sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy, chữa cháy khi cháy rừng ở quy mô lớn, do tác động bất lợi của tự nhiên, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành; phải huy động hỗ trợ của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai. 

Hiện Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thông tư 25/2019/TT-BNN cũng đã quy định về huy động Ban chỉ đạo, chỉ huy Phòng, chống thiên tai trong ứng phó với sự cố cháy rừng. Tuy nhiên, việc huy động Ban chỉ đạo, chỉ huy Phòng, chống thiên tai mới chỉ dừng ở mức tham gia ứng phó khi có sự cố, nên việc bố trí nguồn lực, chỉ đạo, chỉ huy còn bị động.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù. Trong văn bản dưới luật khi quy định về cấp độ rủi ro thiên tai Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Phòng chống thiên tai.

Theo phapluatxahoi.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: