Dự báo chi tiết Khí tượng hải văn - môi trường biển theo thời gian thực

Đăng ngày: 10-09-2019 | Lượt xem: 1190
Dự án “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao” đã góp phần tăng cường năng lực về quan trắc hiện trường và xây dựng hệ thống mô hình tích hợp mô phỏng/dự báo phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Đây là tiểu dự án thuộc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (FIRST). Để tìm hiểu thêm về tiều dự án này, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Huấn (ảnh) - Phó Giám đốc Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Xin ông cho biết, tính cấp thiết thúc đẩy Ban Quản lý Dự án FIRST và các nhà khoa học của CEFD triển khai dự án này?

PGS.TS Nguyễn Minh Huấn:

Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Minh Huấn

Hiện nay, các thông tin dự báo thời tiết trên biển của chúng ta được cung cấp chủ yếu là những thông tin trên quy mô rộng, trên toàn biển Đông hoặc ở các phân vùng lớn và mang tính đại diện cho các vùng khác nhau. Trong khi đó, những thông tin dự báo ở khu vực ven bờ hoặc chuyên biệt cho các hoạt động kinh tế ở khu vực biển của Việt Nam lại đang thiếu hụt; hay ở từng địa phương, các thông tin dự báo phục vụ cho từng nhu cầu riêng biệt cũng chưa thể đáp ứng được.

Do vậy, tiểu dự án “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn – môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao” được thực hiện từ tháng 6/2017 đến tháng 9/2019 xây dựng, cung cấp, trang bị các thiết bị đo đạc ở thực địa; đồng thời, nâng cao năng lực tính toán trong phòng thí nghiệm; sử dụng các mô hình số trị để dự báo. Trên cơ sở đó, đáp ứng các yêu cầu mang tính địa phương và chuyên biệt cho các hoạt động về kinh tế, an ninh hàng hải, đặc biệt là khu vực ven bờ.

 PV: Những kết quả, sản phẩm của dự án sẽ phục vụ cho công tác dự báo các điều kiện khí tượng hải văn – môi trường biển như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Minh Huấn:

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho những yêu cầu cụ thể, mang tính địa phương và theo thời gian thực. Với hệ thống đo đạc này, chúng tôi có thể đo đạc được các yếu tố về sóng biển, dòng chảy ở trên bề mặt biển và gió; đáp ứng được các yêu cầu như: cung cấp số liệu thời gian thực cho các hoạt động ở khu vực ven bờ; cung cấp số liệu chi tiết dọc tuyến hàng hải hoặc những hoạt động tức thời.

T3
Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Hòn Dấu (Hải Phòng) thu thập số liệu. Ảnh: Đăng Hùng

Chẳng hạn, các thông tin đó sẽ rất hữu ích cho các tàu tiếp cận cảng, những hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển, hoạt động khai thác biển khác. Không những thế, với các số liệu đo đạc ấy kết hợp với mô hình dự báo thực hiện trên hệ thống tính toán hiệu năng cao có thể cung cấp được các thông tin dự báo trước 3 - 5 ngày. Cách xây dựng hệ thống phát báo thông tin còn cho phép người sử dụng có thể tương tác được với các hệ thống để có được thông tin chi tiết cho khu vực mình quan tâm ở quy mô địa phương, thậm chí là các điểm theo yêu cầu của người sử dụng.

Đặc biệt, trong tình hình bão diến biến phức tạp, khó lường như hiện nay, mục tiêu hướng đến của chúng tôi là đánh giá ảnh hưởng và giảm thiểu thiệt hại do bão. Với quy mô dự báo chi tiết sẽ đảm bảo tốt hơn cho các địa phương thông qua xác định ở từng vùng cụ thể về mực nước dâng là bao nhiêu khi mà bão đổ bộ vào, ở vùng biển đang có bão, hệ thống sẽ cung cấp thông tin ở khu vực ấy về cả tọa độ, sóng như thế nào, mực nước ra làm sao… các số liệu chi tiết được cung cấp và chắc chắn là sẽ hữu ích hơn rất nhiều.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính thương mại hóa và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cũng như dịch dịch vụ khoa học từ tiểu dự án này?

PGS.TS Nguyễn Minh Huấn:

Các sản phẩm chiến lược và dịch vụ khoa học từ tiểu dự án có tiềm năng thương mại hóa có thể kể đến như: cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng về dự báo sóng, dòng chảy, điều kiện môi trường, dự báo vật thể trôi phục vụ tìm kiếm cứu nạn; thương mại hóa ngân hàng dữ liệu khí tượng, thủy văn và hải văn; khảo sát các yếu tố hải văn phục vụ các dự án điện gió; cung cấp các dịch vụ thời gian thực; đưa ra các sản phẩm dự báo thủy hải văn kịp thời, chính xác; xây dựng và triển khai các công nghệ quản lý, khai thác bền vững tài nguyên và môi trường biển.

Tuy vậy, tôi cho rằng, khả năng thương mại hóa đối với các thông tin dự báo về KTTV cần phải có thêm thời gian; bởi lẽ thực tế hiện nay, người sử dụng vẫn được nhận thông tin một chiều và không phải trả phí. Còn hoạt động chuyên biệt như chúng tôi hướng đến là cung cấp các ứng dụng để người sử dụng có thể mua và phải trả tiền cho những thông tin nhận được. Đương nhiên, những thông tin nhận được phải đảm bảo chính xác, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

 PV: CEFD có định hướng ứng dụng và mở rộng các kết quả từ dự án như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Minh Huấn:

Thương mại hóa các sản phẩm liên quan đến cung cấp thông tin trong quá khứ, hiện tại và tương lai chính là định hướng của chúng tôi. Các sản phẩm, hệ thống đều hướng đến người sử dụng cuối cùng là đơn vị, xí nghiệp, con người cụ thể… để phục vụ cho các hoạt động kinh tế trên biển.

Đồng thời, cung cấp số liệu cho các hoạt động ngắn hạn khác như phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, điều hành cảng biển… Sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi thói quen, tư duy của người Việt Nam từ tiếp nhận thông tin dự báo một chiều, miễn phí sang hướng tương tác và phải trả phí. Tuy vậy, tôi cho rằng, nếu sản phẩm tốt, cung cấp thông tin hữu ích chắc chắn sẽ phát triển được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: