Khai mạc Hội nghị Toàn quốc về phòng chống thiên tai

Đăng ngày: 29-03-2018 | Lượt xem: 1094
(TN&MT) - Ngày 29/3/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai, nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai v

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các Bộ ngành, Chủ tịch UBND, Bí thư tỉnh ủy các tỉnh miền núi phía Bắc, Giám đốc sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn và chánh văn phòng thường trực BCH PCTT và TKCN các tỉnh, Giám đốc gia của UNDP, AFD…, đại diện đại sứ quán tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

anh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì Hội nghị

Thách thức về nâng cao năng lực phòng chống

Báo cáo về tình hình thiên tai những năm gần đây, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, ở nước ta, thiên tai đã và đang diễn ra nghiêm trọng với những yếu tố cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Nhất là trong năm 2017 vừa qua, thiên tai diễn ra suốt cả năm trên tất cả các vùng miền, thậm chí cả những nơi ít xảy ra thiên tai lớn (như bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa).

Để tăng cường khả năng ứng phó, những năm qua, cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cơ quan đoàn thể, báo chí, nhân dân vùng thiên tai đã cùng vào cuộc. Nhiều cách làm sáng tạo, kịp thời đã được triển khai, đặc biệt là trong công tác vận hành liên hồ, ứng phó với lũ vượt mốc lịch sử trên một số tuyến đê, cảnh báo tới cộng đồng bằng tin nhắn, tiếp nhận phân phối hỗ trợ của quốc tế, tuyên truyền tới cộng đồng bằng nhiều hình thức sống động, sáng tạo, hiệu quả… Mặc dù vậy, thiên tai năm 2017 vẫn gây ra hậu quả rất nặng nề với 386 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng.

anh 2

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường báo cáo tình hình thiên tai những năm gần đây

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã thẳng thắn nhìn nhận, thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng đang có xu thế gia tăng trong những đợt thiên tai lớn gần đây. Điều này xuất phát từ nhiều tồn tai, hạn chế về khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai với một số tình huống thiên tai lớn, có nơi còn lúng túng trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện; huy động lực lượng đông đảo nhưng hiệu quả thấp; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đáp ứng yêu cầu.

Mặc dù chính phủ đã nỗ lực bố trí kinh phí, tuy nhiên nguồn lực cho phòng chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, mới triển khai được 40-50% chương trình đầu tư đê sông, đê biển, 30% chương trình an toàn hồ chứa. Các nguồn lực này còn phân tán, chưa có đầu mối cụ thể; chưa có chính sách tài chính bền vững để xã hội hóa công tác PCTT.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế trong dự báo, theo dõi, giám sát, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành với những tình huống thiên tai lớn như bão mạnh, siêu bão, lũ lớn tại các lưu vực sông liên tỉnh, lũ quét sạt lở đất, thiếu các trang thiết bị chuyên dùng để ứng phó với các tình huống phức tạp. Sự tham gia phối hợp của một số cơ quan liên  ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo; thực thi, giám sát thi hành Luật Phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế; nhiều công trình, dự án không lồng ghép hoặc chưa quan tâm đúng mức đến nội dung phòng, chống thiên tai.

Trong số nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nổi bật là vấn đề nhận thức của một số bộ phận chính quyền, người dân về công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế nên việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai chưa sát với thực tiễn, chưa kịp thời nắm bắt diễn biến thiên tai dẫn đến lúng túng trong triển khai nhiệm vụ.

Thiên tai năm 2017 đã ghi nhận nhiều kỷ lục, trong đó có kỷ lục về số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới (16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới), 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên; lượng mưa có khu vực đạt 4.777mm/năm (Bắc Quang); tổng lượng mưa đợt lên tới 19 tỷ m3 (bão số 12), lưu lượng Hồ Hòa Bình ngoài mùa lũ đạt 16.520 m3/s với tổng lượng trên 1,4triệu m3 nước (tháng 10), lần đầu tiên vận hành 8 cửa xả đáy; xuất hiện 426 sự cố/170 km đê, kè và kỷ lục về nhiệt độ cao nhất trong mùa hè (420C) và nhiều bất thường của thiên tai khác.


Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương
Tại Hội nghị, nhiều địa phương đã chia sẻ tình hình thiên tai trong thời gian qua và kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng chống. Theo ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, các đợt lũ ống, lũ quét năm vừa qua trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Riêng năm 2017,  thiệt hại về kinh tế chiếm đến 40%; thiệt hại về người khoảng 10%. Khi lũ quét xảy ra, đội cứu hộ có khi phải đi bộ mất 2 ngày mới vào đến hiện trường, nhiều huyện đến xã ít nhất mất nửa ngày dù biết là lũ đến, nhưng lực lượng chức năng tiếp cận được hiện trường thì lũ đã đi qua... Từ kinh nghiệm của Yên Bái, ông Duy cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ, cần phải nâng cao độ chính xác bản đồ sạt trượt đất đá để thu nhỏ phạm vi nguy hiểm, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; đầu tư trang bị hệ thống thiết bị cảnh báo sớm thiên tai, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên dùng... Trước mắt, tỉnh đang cùng nhiều địa phương phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai rà soát, xác định danh mục cụ thể các dự án tái định cư cấp bách cần triển khai trước mùa mưa lũ 2018, tiếp tục cân đối nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017.

a3

Các đại biểu thăm quan mô hình cảnh báo thiên tai

Nhấn mạnh về công tác chỉ huy điều hành phải quyết liệt, khẩn trương, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ; phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để cùng triển khai đối phó. Đặc biệt là công tác hộ đê phải quyết liệt, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, trong đó vai trò của chính quyền thôn, xã và nhân dân địa phương hết sức quan trọng.

Theo GS-TSKH Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam, cần xem xét xét xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai trên cơ sở các kịch bản biến đổi khí hậu, bởi thiên tai chính là biểu hiện rõ nét nhất của biến đổi khí hậu. Những ảnh hưởng khác về lâu dài bao gồm sự gia tăng nhiệt độ kỉ lục, sạt lở bờ biển và trượt lở đất đá ở vùng núi cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến đề xuất, từ đó, xây dựng nghị quyết của Chính phủ về công  tác phòng chống thiên tai. Đây chính là cơ sở pháp lý cho các Bộ ngành địa phương triển khai kế hoạch, hành động và tăng cường kết nối, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó thiên tai.

Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTT trong thời gian tới:

Kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể thành viên Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.

Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp gắn với xây dựng giải pháp, nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Luật phòng, chống thiên tai; tổ chức triển khai các Luật Thuỷ lợi, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thuỷ văn và các văn bản hướng dẫn; có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình mới.

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn trước thiên tai; chính sách kiểm soát an toàn thiên tai, khắc phục, tái thiết và tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ sau thiên tai.

Xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hoá công tác phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh thành lập và hoạt động quỹ PCTT, trong đó hình thành Quỹ PCTT ở Trung ương.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng PCTT.

Xây dựng chương trình tổng thể PCTT các khu vực: miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai tới nhân dân; tăng mật độ hệ thống quan trắc tự động và thực hiện xã hội hoá; tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở; xây dựng cơ chế đảm bảo sự tham gia của các nhà mạng viễn thông trong truyền tin thiên tai.

Tăng cường hợp tác quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: