Khánh Hòa: Nhiều giải pháp giải hạn cho vùng 'khát nước'

Đăng ngày: 08-05-2020 | Lượt xem: 1994
Mùa khô năm nay, tỉnh Khánh Hòa được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của nắng hạn. Bốn tháng qua, toàn tỉnh mưa ít, nắng nóng kéo dài. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động những biện pháp phòng, chống hạn hán và thiếu nước trong cao điểm mùa khô.
Chú thích ảnh
Đập chứa nước Suối Dầu (Cam Lâm) khô cạn không một giọt nước do nắng nóng kéo dài, mực nước trong hồ chỉ còn 18% dung tích hồ. 

Xã Sơn Lâm được xác định là trọng tâm hạn hán của huyện miền núi Khánh Sơn, nơi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng lớn. Anh Huỳnh Mazsa trồng 3 ha cây ăn trái, chủ yếu là cây sầu riêng tại xã Sơn Lâm, lo lắng cho biết: Vườn cây của anh đang thời điểm phát triển, cho quả, nhưng nắng nóng kéo dài, thiếu hụt nguồn nước tưới khiến cho các cây trong vườn kém sức sống, thậm chí nguy cơ cây chết khá cao.

Ngoài anh Huỳnh Mazsa, những hộ trồng sầu riêng, bưởi da xanh, cà phê… khác tại Sơn Lâm cũng rơi vào cảnh tương tự, thiếu nước tưới cây làm ảnh hưởng đến chất lượng quả. Tình trạng này kéo dài cũng khiến cho việc sản xuất tốn thêm rất nhiều chi phí, do đa số cây trồng đều được trồng trên các đồi dốc, mà nguồn nước lại ở cạnh sông Tô Hạp, người dân phải bơm nước ít nhất 2 chặng, có nhà vườn phải nối ống bơm cả 5-6 chặng mới dẫn nước lên đến nơi.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, địa hình của Khánh Sơn đồi núi dốc, không có hồ chứa để tích trữ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên từ sông Tô Hạp. Một số diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dọc theo sông Tô Hạp, ven các con suối chủ động được một phần nước tưới. Còn nhiều diện tích thường xuyên bị thiếu nước do nắng nóng, hạn hán, thậm chí có diện tích phải bỏ vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng có khả năng chịu hạn.

Để chống hạn, UBND huyện Khánh Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên dành nước sinh hoạt cho người dân. Ngoài biện pháp tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, ngăn chặn các trường hợp tự ý chặn, đào kênh lấy nước tưới không theo kế hoạch, huyện Khánh Sơn đã trích ngân sách hơn 1,3 tỉ đồng để đào ao, nạo vét kênh mương, ngăn dòng và sửa chữa các giếng khoan cộng đồng cho các xã, ở những nơi có nước ngầm thì tiến hành khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt…

Huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng rơi vào cảnh tương tự. Huyện cũng đang thiếu nước tưới trầm trọng, một số nơi không đủ cấp nước cho vụ Hè Thu 2020. Cụ thể, toàn huyện có 20 đập dâng; dự báo trong thời gian tới sẽ không đảm bảo nguồn nước để cấp cho sản xuất và sinh hoạt, bởi dòng chảy cơ bản trên các sông, suối suy giảm mạnh.

Ông Nguyễn Lương Nhật Trường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, để chống hạn, trước mắt địa phương thực hiện cân đối lượng nước hiện có của công trình, bố trí diện tích sản xuất cho phù hợp; tiến hành cắt giảm diện tích sản xuất ở những nơi có nguồn nước tưới được dự báo sẽ bị cạn kiệt sớm. Đối với những nơi quá khó khăn nguồn nước, lực lượng chức năng hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác, nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất.

Chú thích ảnh
Lòng hồ chứa nước Suối Dầu (Cam Lâm) do nắng nóng kéo dài, mực nước trong hồ chỉ còn 18% dung tích hồ, nhiều vị trị trong lòng hồ trơ sỏi đá. 

Ở vùng đồng bằng,  khô hạn cũng không kém. Bà Nguyễn Thị Đài Trang, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay Trung tâm đang quản lý 5 Trạm Quản lý cấp nước đều đặt trên địa bàn huyện Diên Khánh. Với thời tiết khô hạn kéo dài, lượng nước về các sông ít, mực nước ở các sông hiện đang xuống thấp; cùng với đó là sự biến đổi tại hạ lưu các sông, dẫn đến tình trạng lượng nước dẫn về họng thu nước trạm bơm suy giảm mạnh khiến việc vận hành các trạm xử lý cung ứng nước sinh hoạt hết sức khó khăn, thậm chí là không đủ cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân ở huyện Diên Khánh. Dự báo, trong vòng tháng nữa, nếu thời tiết không xuất hiện các đợt mưa lớn, mực nước ở các hồ về mức dưới 10% hoặc thấp hơn dẫn đến một số nhà máy sẽ không đủ lượng nước phục vụ người dân.

Tuy nhiên, trước mắt, Trung tâm cũng đã có một số phương án khắc phục như: Đầu tư, nâng cấp các đập, nâng cao lượng nước khô; sữa chữa, duy tu bảo dưỡng các Trạm xử lý nước; làm rọ đá để ngăn nước phục vụ bơm vào nhà máy. “Nếu hạn tiếp tục kéo dài, biện pháp cuối cùng thiếu tự nhiên ở các sông, chúng tôi đã đề xuất với tỉnh giải pháp mua nước ngọt để sử dụng”, bà Nguyễn Thị Đài Trang cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, các tháng đầu năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa hầu như không có mưa, tổng lượng mưa các nơi chỉ đạt dưới 10 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%, một số sông suối nhỏ không còn dòng chảy. Có nơi, người dân chỉ biết trông chờ nước từ các dòng suối trên địa bàn nhưng giờ đây những dòng suối này cũng dần trơ cạn. 31 hồ chứa đang ở mực nước rất thấp, hầu hết các hồ lớn đều có mực nước dưới 34% của dung tích hồ. Dự báo trong thời gian tới, hạn hán sẽ tiếp tục gia tăng và khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trong tỉnh.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành phương án phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn. Trong đó 2 phương án có mưa và không có mưa trong những tháng tới được đưa ra để có những biện pháp thích ứng. Đối với phương án không có mưa (hạn hán), dung tích các hồ còn  30% (hiện nay khoảng 45%), các địa phương cấp huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp chống hạn tùy theo tình hình thực tế của địa phương, ưu tiên nước sinh hoạt cho trên 25.800 hộ với 103.900 người. Nếu hạn hán lớn, bắt buộc phải bỏ trên 14,400 m2 diện tích vụ Hè Thu. Các địa phương sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác, khoảng 88,6 tỉ đồng để tăng cường các biện pháp ứng phó.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: