Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2020 tại tỉnh Tiền Giang

Đăng ngày: 18-08-2020 | Lượt xem: 941
Ngày 18/8/2020, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang về việc chỉ đạo, triển khai công tác PCTT tại địa phương năm 2020. Ông Trần Hồng Thái - Ủy viên Ban Chỉ đạo TW về PCTT - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) làm Trưởng đoàn.

Ông Trần Hồng Thái, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn kết luận tại cuộc họp

Tham gia Đoàn về phía Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT có đại diện Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Chi cục PCTT miền; Bộ NN&PTNT (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam); Bộ TN và MT (Cục Quản lý Tài nguyên nước); đại diện Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; cùng đại diện một số cơ quan thuộc Tổng cục KTTV. Về phía tỉnh Tiền Giang có ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh– Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

 Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình quan trắc thủy văn tại Trạm Thủy văn Long Định, huyện Châu Thành và sạt lở giáp đường huyện 74, xã Đông Hòa Hiệp, thị trấn Cái Bè.

Sau khi đi kiểm tra Đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết về tình hình triển khai công tác phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tiền Giang:

Ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 03/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP; Kiện toàn Ban Chỉ huy hàng năm; chỉ đạo BCH các ngành, các cấp tổ chức tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm kiện toàn bộ máy, phân công cụ thể từng thành viên BCH, bổ sung hoàn chỉnh phương án PCTT&TKCN cụ thể trên phạm vi ngành, địa phương của mình đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, củng cố, bổ sung lực lượng xung kích TKCN của ngành và địa phương, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng và sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động.  Công tác đảm bảo an toàn dân cư và sản xuất được chú trọng: Các công trình PCTT thường xuyên được kiểm định, kiểm tra định kỳ, đột xuất. Công trình thủy lợi được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, nạo vét và mở rộng, phục vụ tiêu thoát nước trước mùa mưa, bão, lũ.

 Ngoài việc rà soát, bổ sung và xây dựng mới các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai cũng như các phương án ứng phó sự cố trên địa bàn (Phương án phòng chống lũ lụt; Phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão có sức gió dưới cấp 10; Phương án ứng phó với bão mạnh; Phương án phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô; Phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sóng thần; Phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả động đất), tỉnh đã xây dựng Phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, thiết bị, dụng cụ học tập và cơ sở hạ tầng giáo dục khi xảy ra tình huống thiên tai, đặc biệt là bão, lốc xoáy, lũ lụt.

 Công tác xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT ở các xã, phường, thị trấn cũng được địa phương hết sức chú trọng. Thành lập và củng cố được 174 đội thanh niên xung kích/174 xã, phường, thị trấn.

Sau khi nghe các báo cáo và kiến nghị của tỉnh Tiền Giang, ông Trần Hồng Thái ghi nhận tính chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong việc chỉ đạo điều hành công tác phòng chống thiên tai năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Tiền Giang. Trong năm 2019 hạn mặn rất khốc liệt, nhưng chúng ta sử dụng được thông tin cảnh báo sớm và đạt được thành tựu lớn, giảm thiểu thiệt hại. Trong 13 nội dung báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, một số nhiệm vụ đã thực hiện tốt, như:  Đối với công tác triển khai Nghị quyết 76, Tỉnh đã quán triệt, xây dựng hệ thống văn bản, kế hoạch chỉ đạo của từng cấp; Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ huy, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, đảm bảo công tác an toàn phòng chống thiên tai; Phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cần thiết cho người dân, đã làm rất tốt;  Tiến hành nâng cấp VPTT cấp tỉnh, đã thực hiện, xây dựng lực lượng xung kích, triển khai đáp ứng 4 tại chỗ tại nông thôn; Công tác tuyên truyền, rất ấn tượng, hướng dẫn tập huấn, biên soạn tài liệu,…Đã thực hiện tốt nhiệm vụ về dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai.

Bên cạnh đó, cần chú ý đến một số công tác như: Công tác xây dựng phương án ứng phó: Đã xây dựng rà soát, cập nhật phương án. Phương án huy động vật tư. Đề nghị xây dựng phương án rủi ro theo cấp độ thiên tai. Sau khi có phương án cần tổ chức diễn tập. Đối với phương án án vật tư, cần làm rõ số lượng, nơi lưu trữ.  Đối với công tác thu, chi Quỹ PCTT, cần phải xây dựng Kế hoạch Chi quỹ để đạt hiệu quả, tránh để tình trạng nhu cầu thì nhiều, kinh phí tại địa phương có sẵn mà không thể chi được;  Công tác dự báo, cảnh báo, phát triển kinh tế xã hội. Còn mờ nhạt quá. Theo quy trình, Ngành thủy văn gửi thông tin đến các thành viên Ban Chỉ đạo. Vì vậy, đề nghị Đài tỉnh truyền tin cho Ban chỉ huy, với các hình thức khác nhau, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ. Nên chú ý phối hợp với lực lượng của Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên; sử dụng lực lượng tại đài KTTV của tỉnh và các Trạm để triển khai các nội dung công việc. Các cơ quan trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn thu thập các nghiên cứu của Trung ương gửi Ban Chỉ huy tỉnh nghiên cứu để ứng dụng vào công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương

Toàn cảnh buổi làm việc 

Bùi Dịu

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: