Những người quên mình, cứu dân trong lũ dữ

Đăng ngày: 14-08-2019 | Lượt xem: 1590
Những ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an các đơn vị, địa phương của tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Đắk Lắk đã dầm mình trong lũ dữ, mưa lớn, sát cánh đồng hành cùng bà con đối phó với tình hình diễn biến phức tạp, nguy hiểm của lũ lụt.

Hàng trăm người mắc kẹt giữa dòng nước dữ đã được các đơn vị Công an phối hợp giải cứu thành công; nhiều tài sản, của cải của nhân dân được đưa tới nơi an toàn. Trong nỗ lực cao độ giúp dân đối phó với mưa lũ, đã có Công an viên hi sinh...

1. Huyện Lạc Dương là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng và cả nước. Rạng sáng ngày 8-8, nước lũ tràn về, chỉ trong chốc lát đã nhấn chìm hàng loạt nông trại rộng lớn dưới các thung lũng, cuốn phăng tất cả hoa màu, nhà kính, máy móc nông nghiệp và nhiều tài sản có giá trị của người dân, doanh nghiệp. 

Hàng chục người ở lại trong các trang trại sản xuất nông nghiệp bị nước bao vây, cô lập, có nguy cơ đe dọa trực tiếp tới tính mạng. Ngay trong đêm khuya mưa lũ, CBCS Công an đã về làng, kịp thời giúp dân.

Từ 4h sáng ngày 8-8, lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được thông tin từ Công an huyện Lạc Dương, cơ sở có 41 người đang bị mắc kẹt trong một khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát. Bao quanh những người bị cô lập này là dòng nước dữ cuồn cuộn chảy siết, đe dọa tới tính mạng từng người. 

Lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) tỉnh điều động hàng chục CBCS cùng các phương tiện chuyên dụng khẩn trương tới hiện trường giải cứu 41 nạn nhân giữa dòng nước dữ.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng giải cứu người dân thoát khỏi lũ dữ.

Thiếu tá Đoàn Mạnh Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC -CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại hiện trường, các ca nô của lực lượng giải cứu dùng để tiếp cận người dân bị mắc kẹt bên kia sông đều không thực hiện được bởi nước chảy mạnh và xiết. 

Sau hơn 8 giờ đồng hồ vật lộn với mưa lớn, lũ dữ, 41 người, trong đó có 7 trẻ em được đưa qua sông an toàn bằng bằng hình thức đu dây cáp vượt sông. Đón nhận con gái mới hơn 1 tuổi từ tay một chiến sĩ Cảnh sát PCCC-CNCH, người mẹ trẻ tên Hồng ôm con vào lòng bật khóc nức nở vì xúc động.

Lúc 0h ngày 9-8, nhận được tin báo đèo Bảo Lộc trên QL20 bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, CBCS Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đạ Huoai và Công an TP Bảo Lộc đã kịp thời có mặt để điều tiết, phân luồng giao thông. 

Trung tá Cù Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay trong đêm khuya, đơn vị đã điều động toàn bộ lực lượng của Trạm CSGT Mađaguôi kết hợp với Công an các địa phương khẩn trương đưa máy xúc tới hiện trường khắc phục các điểm sạt lở. 

“Đêm khuya, trời mưa lớn và gió thổi mạnh, hàng nghìn phương tiện bị dồn ứ, tê liệt hoàn toàn ở cả hai chiều. Chúng tôi đã phải làm việc xuyên đêm với quyết tâm khắc phục điểm sạt lở một cách nhanh nhất, đảm bảo giao thông cho tuyến quốc lộ huyết mạch...”, Trung tá Cù Tuấn Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, khi điểm sạt lở đất này đang được khắc phục thì khu vực lại đổ mưa lớn, đèo Bảo Lộc liên tục xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới. Có điểm lở đất từ trên cao đã đẩy 2 xe ôtô (1 xe ôtô con và 1 xe khách) xuống taluy âm khiến 4 người bị thương nặng. 

Khoảng 50 CBCS Phòng CSGT, Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đạ Huoai, Công an TP Bảo Lộc đã căng mình làm việc suốt ngày đêm trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp, nguy hiểm. Những chiếc áo mưa mỏng không ngăn được mưa to, gió lớn. Ai nấy đều ướt sũng, bê bết bùn đất. Bữa ăn chống đói qua loa của các anh là những ổ bánh mỳ khô và chai nước lọc. 

Sau hơn 8h nỗ lực khắc phục, 6 điểm sạt lở đất đá trên đèo Bảo Lộc cơ bản được dọn dẹp, các xe bắt đầu được CSGT ở hai chiều hướng dẫn cho lưu thông qua đèo. Đến 17h30 cùng ngày, tức sau 18 tiếng đồng hồ vật lộn với những điểm sạt lở, mưa gió, hàng nghìn mét khối đất đã được dọn dẹp, đèo Bảo Lộc mới được lưu thông trở lại bình thường. 

“Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, chúng tôi còn phải quét dọn bùn đất, điều động xe chở nước chuyên dụng của Cảnh sát PCCC-CNCH tới xịt, rửa sạch mặt đường!...”, Trung tá Cù Tuấn Nghĩa cho biết.

Hình ảnh Thượng tá Nguyễn Văn Lân, Phó Trưởng Công an huyện Lạc Dương cùng đồng đội bê bết trong bùn đất khiêng nhà, kéo từng xe rùa đất giúp bà con thôn Lán Tranh, xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương sớm có nơi ở ổn định cuộc sống sau mưa lũ đã nhận được nhiều khen ngợi của nhân dân địa phương. Người dân cũng không quên hành động dũng cảm, hy sinh quên mình để giúp dân trong cơn lũ dữ của đồng chí Phạm Minh Tú, Công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc.

Công an huyện Lạc Dương giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

2. Tại tỉnh Đắk Lắk, những ngày qua mưa lớn như trút nước xuống nhiều địa phương của tỉnh, đặc biệt là vùng biên giới huyện Ea Súp khiến nhiều buôn làng chìm sâu trong biển nước. Ông Tràng A Páo (trú tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, mưa lớn kéo dài khiến nước dâng lên quá nhanh, gia đình ông và bà con trong buôn bị thiệt hại nặng nề. 

Bà con địa phương chỉ kịp dọn tài sản đưa lên gác rồi trèo lên mái nhà lánh nạn. Rất may, trong tình thế cấp bách đó, cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương, lãnh đạo Công an huyện Ea Súp đã khẩn trương điều động hàng chục CBCS tới ứng cứu, di dời các hộ dân đang bị cô lập tới nơi an toàn.

Thượng tá Cao Tiến Phu, Trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết, khoảng 3h sáng 7-8, nhận được tin báo hàng trăm người dân trên địa bàn xã Ia Rvê và Ia Lốp đang bị nước lũ cô lập, nguy hiểm đến tính mạng, Công an huyện đã lập tức cắt cử hàng chục CBCS dùng phương tiện chuyên dụng vào vùng lũ để cứu dân. 

“Lũ dâng lớn, nước chảy xiết, trời tối khiến nhiều phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận nên buộc các lực lượng cứu hộ phải dùng dây thừng, từng cán bộ, chiến sĩ phải bám theo dây ngâm mình trong nước để tiếp cận người dân. Đến sáng 7-8, Công an huyện đã di chuyển được hơn 50 hộ dân tại địa bàn 2, xã Ia Lốp và Ia Rvê đến nơi an toàn!..”, Thượng tá Phu nhớ lại.

Đưa lương thực vào tiếp tế ở vùng bị nước lũ cô lập.

Tại tỉnh Đắk Nông, cơn lũ lịch sử đã cuốn phăng nhiều tài sản, hoa màu của người dân, đẩy hàng trăm gia đình vào hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong đợt lũ này, trên địa bàn thôn 14, xã Đắk Sin, huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông) đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm 3 người trong một gia đình bị vùi lấp. 

Cùng với các lực lượng chức năng, Công an huyện Đắk Rlấp đã huy động tối đa lực lượng tới hiện trường khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân. Do lượng đất đá đổ xuống quá lớn và trời mưa to khiến công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn, phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận được vị trí căn nhà nạn nhân.

Sau hơn 8 giờ vật lộn với bùn đất, dấu vết được tìm thấy đầu tiên là những bộ quần áo và tấm chăn của gia đình. Từ dấu vết này, lực lượng cứu hộ đã dùng vòi nước giội bùn phát hiện thi thể của người vợ và cô con gái 3 tuổi đang ôm chặt lấy nhau. Khoảng 30 phút sau đó, thi thể của người chồng cũng được tìm thấy cách mẹ con nạn nhân khoảng vài mét. 

Những ngày này, tại những nơi cơn lũ đi qua, hậu quả để lại rất nặng nề với hàng nghìn căn nhà bị ngập, nhiều nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, hàng nghìn hecta hoa màu, vật nuôi bị chết do ngập nước. Trên những vùng lũ dữ vừa quét qua, hàng trăm CBCS Công an đang đồng hành cùng bà con dựng lại nhà cửa, quét dọn bùn đất, khắc phục hậu quả để nhân dân sớm vực dậy sau cơn lũ dữ!..

Theo cstc.cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: