Phú Thọ: Thấp thỏm lo sợ sạt lở đê kè, nguy cơ vỡ đập mùa mưa bão

Đăng ngày: 14-11-2019 | Lượt xem: 1909
Phú Thọ có nhiều sông lớn chảy qua, hệ thống ngòi dày đặc có lưu vực rộng, độ dốc suối lớn, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đều bị xuống cấp nên tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét rất cao.

Vị trí kè đá khẩn cấp và con đường của người dân khu 8, xã Xuân Quang vẫn đang bị lún tiếp. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Tình trạng đê kè sạt lở, hồ, đập xuống cấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang khiến nhiều hộ dân sống quanh lưu vực luôn thấp thỏm lo sợ trước mỗi mùa mưa bão, nhất là các trận lũ ống, lũ quét bất ngờ.

Đối mặt sạt lở đê kè

Nhiều năm nay, người dân khu 8, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông (Phú Thọ), sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ trôi mất nhà cửa, ruộng vườn do sạt lở bờ sông Thao.

Con đường duy nhất của khu 8, xã Xuân Quang, nằm dọc bờ sông Thao đã bị sạt lở mất gần hết. Cách đây 2 năm, mỗi nhà dân trong thôn phải góp 10-20 triệu đồng để mở lối đi mới, cách khá xa bờ sông nhưng nay đường mới cũng bị sụt mất.

Trong tháng 8/2019, khu vực xung yếu này đã được tỉnh tiến hành đổ đá kè khẩn cấp, với chiều dài gần 1km. Tuy nhiên, hiện một đoạn kè dài khoảng 100m tiếp tục bị lún sụt, kéo cả đường đi dân sinh bị lún theo.

Do đó, chỉ vài cơn mưa lớn, nước dâng cao, đoạn kè và con đường dân sinh này cũng sẽ chìm dưới dòng sông, nguy cơ trôi cả nhà xuống sông rất dễ xảy ra.

Ông Trần Quang Đạo-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Quang cho biết, tình trạng sạt lở ở khu 8 đã làm ảnh hưởng đến đời sống của 50 hộ dân.

Đặc biệt, 15 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp khi nhà và các công trình ở cận kề mép sông, đường dân sinh bị lún sụt nặng, có hiện tượng nứt gãy mặt sân, tường nhà và các công trình khác.

Theo Chi cục Thủy lợi Phú Thọ, toàn tỉnh có trên 500km đê các loại, trong đó có 21 tuyến đê sông, đê ngòi từ cấp I đến cấp V; 23 tuyến đê bao ngăn lũ nội đồng; 11 tuyến đê bối và 456 cống các loại như cống dưới đê, cống tưới, cống tiêu, cống dưới đê bao, đê bối; phai ghi (ga Việt Trì), 5 cửa khẩu đê tả Thao; 92 tuyến kè và 11 kè mỏ hàn Lê Tính... cùng nhiều tuyến đê kết hợp giao thông.

Những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết đã gây sạt lở nhiều tuyến đê kè, làm thiệt khá nhiều tài sản của nhân dân.

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, mưa, lũ làm vỡ 50m đê, sạt lở gần 7.400m đê cấp IV, đê bao, đê bối, 200m kè; hư hỏng trên 33.000 kênh mương, 28 đập thủy lợi, 4 trạm bơm và 559 công trình thủy lợi…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện đã xây dựng phương án bảo vệ cụ thể, thường xuyên kiểm tra các vị trí đang xảy ra sạt lở, các đoạn đê có dòng chảy áp sát bờ để kịp thời điều chỉnh, xử lý các sự cố công trình; sửa chữa các cống dưới đê bị hư hỏng; đồng thời có phương án xử lý chống tràn, sự cố thẩm lậu, sạt trượt mái đê, hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế…

Từ năm 2018 đến nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng kịp thời duy tu, sửa chữa 1.802m đê và hành lang đê; cải tạo 9 cống dưới đê; sửa chữa 405m kè; khắc phục được 294 vị trí sạt lở với khối lượng 343.459m3, 18 vị trí tràn và 1 điểm sạt lở đường.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu sau bão, cùng với việc chịu ảnh hưởng nhiều đợt xả lũ các hồ thủy điện nên tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp.

Hiện, tỉnh vẫn còn 17 vị trí trọng điểm, vị trí xung yếu, trong đó tập trung tại thành phố Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, Đoan Hùng.

Với đặc điểm là tỉnh có nhiều sông lớn chảy qua, hệ thống ngòi dày đặc có lưu vực rộng, độ dốc suối lớn, lòng suối hẹp, kết hợp với xả lũ các hồ thủy điện khiến cho Phú Thọ luôn tiềm ẩn các trận lũ ống, lũ quét bất ngờ, người dân thấp thỏm lo sợ sạt lở đê kè, hồ đập vỡ.

Hồ, đập nhỏ, nguy cơ lớn

Hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn được xây dựng từ nhiều thập niên trước, đến nay đã xuống cấp. Do đó, sau mỗi đợt mưa bão, các hồ đập như những "bom nước" treo lơ lửng trên đầu người dân sống quanh lưu vực.

Nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị xói lở nghiêm trọng, sạt trượt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nguy cơ mất an toàn nhất trong mùa mưa lũ chủ yếu nằm ở các hồ chứa loại nhỏ có dung tích dưới 1.000.000m3, tập trung tại các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập.

 
Phu Tho: Thap thom lo so sat lo de ke, nguy co vo dap mua mua bao hinh anh 1
Người dân Phú Thọ thấp thỏm trước nguy cơ lũ quét, lũ ống rất cao. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Qua kiểm tra, toàn tỉnh có 9 đập đang bị thấm nước; 5 tràn xả lũ bị xói lở, vỡ thân trần và sân tiêu năng, 9 thân cống hỏng (4 hỏng nặng)…

Bên cạnh đó, một số trạm bơm bị hư hỏng ống hút, nhà trạm xuống cấp…; một số đoạn kênh dẫn bị hư hỏng; một số kênh tiêu bị bồi lấp, hư hỏng ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước, nhất là trong mùa mưa lũ…

Hiện, toàn tỉnh có 1.341 hồ chứa, đập dâng lớn, nhỏ. Trong đó, 5 hồ chứa dung tích từ 3.000.000-10.000.000m3; 12 hồ chứa dung tích từ 1.000.000-3.000.000m3, còn lại là các hồ chứa có dung tích từ 50.000-1.000.000m3 nước; 260 trạm bơm tưới và tưới tiêu kết hợp.

Phần lớn hồ, đập chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Khi đó, chưa có các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ để quan trắc, đo đạc số liệu xây dựng theo thiết kế, vì vậy việc xây đắp chủ yếu là thủ công, dựa vào sức người nên không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nhiều hồ, đập đặc biệt là ở khu vực miền núi có mặt tràn nhỏ, kiêm luôn chức năng đường giao thông, dẫn đến việc kết cấu mặt cắt thường xuyên bị biến đổi, dễ xảy ra nguy cơ sạt trượt, không đảm bảo năng lực chứa nước và tiêu thoát lũ.

Bên cạnh đó, việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng mắt thường. Điều này dẫn đến việc kiểm soát cũng như theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác…

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 232 trạm bơm tưới, 15 trạm bơm tiêu, 13 trạm bơm tưới và tiêu nước kết hợp. Hệ thống ngòi tiêu được hình thành chủ yếu do tự nhiên, chỉ có một số ít kênh đào.

Hiện tại, một số trạm bơm bị hư hỏng ống hút, nhà trạm bị xuống cấp, các bơm bị sạt lở, hư hỏng một số đoạn kênh dẫn; một số kênh tiêu bị bồi lấp, hư hỏng ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước, nhất là trong mùa mưa lũ…

Theo ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, những năm gần đây, khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan, nhiều trận mưa lũ vượt tần suất thiết kế xảy ra trên địa bàn, nguy cơ xảy ra các sự cố đối với công trình thủy lợi là rất lớn.

Cùng với đó, tình trạng vi vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi gia tăng đang đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê, gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến phòng chống lụt bão của các địa phương; thời gian xảy ra mưa, lũ phần lớn là vào ban đêm, độ cảnh giác của người dân xuống thấp nên nếu xảy ra sự cố vỡ đập rất khó xử lý và ứng cứu kịp thời.

Trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 9 đợt thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 679 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần thiệt hại năm 2017.

Riêng 11 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tới 14 đợt thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản ở các huyện miền núi như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy… làm 1 chết, 2 người bị thương, hư hỏng 434 nhà dân, 28 điểm trường, 88 phòng học, 10 công trình văn hóa và di tích, 4 trụ sở cơ quan và hư hỏng nhiều tuyến đường, điện, kênh mương; thiệt hại trên 700ha lúa, rau mầu; trên 100ha rừng và cây ăn quả, cùng hàng nghìn con gia súc, gia cầm…

Để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động triển khai phòng tránh giông, lốc xoáy, mưa đá, sét đánh, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện và hậu cần phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và các địa phương nắm chắc hiện trạng công trình đê điều và hệ thống công trình chống úng nội đồng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều cũng như giải tỏa dứt điểm việc lấn chiếm hành lang để mang lại an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra xác định các khu vực trọng điểm xung yếu của đê điều, hồ đập để xây dựng phương án ứng phó kịp thời sát với tình hình thực tế; chú trọng công tác "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ), nhất là các vị trí trọng điểm, các vị trí xa nơi dân cư, điều kiện ứng cứu khó khăn./.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: