Quân khu 2 giúp dân khắc phục hậu quả mưa đá, giông lốc

Đăng ngày: 27-04-2020 | Lượt xem: 1800
Từ ngày 22/4 đến rạng sáng 25/4, mưa đá kèm theo giông lốc, sét và mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc thuộc địa bàn Quân khu 2 bao gồm: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân. Ngay sau mưa lũ, các đơn vị thuộc Quân khu 2 đã phối hợp với các lực lượng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Quân khu 2 giúp dân khắc phục hậu quả mưa đá, giông lốc
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 động viên gia đình có người thiệt mạng ở bản Lùng Than, xã Mù San, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Thiên tai được báo trước vẫn thiệt hại nặng nề

Từ dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 22 đến 24/4, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 40-80mm/24h, có nơi trên 120mm/24h); khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to, ngày 22/4/2020, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có Văn bản số 120/TWPCTT-VP gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và giông lốc, sét, mưa đá.

“Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các đô thị và lũ quét, sạt lở đất khu vực vùng núi, đặc biệt là tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa và Nghệ An; nguy cơ xảy ra ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố Sơn La, Điện Biên Phủ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và Thủ đô Hà Nội”, văn bản nêu.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.

Ngay sau cảnh báo, từ ngày 22/4 đến rạng sáng 25/4, mưa đá kèm theo giông lốc, sét và mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Do nhà dân chủ yếu lợp ngói và tấm lợp fibrôximăng nên mưa đá có thể tích lớn đã phá hỏng hàng nghìn ngôi nhà.  

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn kèm mưa đá, giông lốc, sét tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 5 người chết, 23 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu lên tới 81,6 tỷ đồng.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông cùng các lực lượng giúp dân lợp lại nhà.

5 người tử vong bao gồm: 2 người ở Lai Châu do mưa lớn làm sập nhà bị lũ cuốn trôi; Hà Giang: 1 người, do cây đổ, đè vào người; Sơn La: 1 người, do đá lăn vào nhà làm đổ tường; Yên Bái: 1 người, do sét đánh; 1 người mất tích tại Lai Châu do bị lũ cuốn. Thống kê chưa đầy đủ có 7.282 nhà dân hư hỏng, tốc mái. Về nông nghiệp, mưa đá làm hơn 530ha bị đổ, ngã; gần 2.000ha hoa màu bị hư hại. Ngoài ra còn nhiều thiệt hại về đường giao thông, trường học, nhà văn hóa…

Trong đó, đợt giông lốc, mưa đá, mưa lớn đêm 22, rạng sáng 23/4 gây thiệt hại lớn nhất. Tại huyện Xín Mần, Hà Giang, trong đợt giông lốc xảy ra đêm 22/4, toàn huyện có 1.376 nhà ở, 21 công trình phúc lợi, gần 1.500ha cây hoa màu bị hư hại. Ước tính thiệt hại do mưa đá và giông lốc ước khoảng 25 tỷ đồng.

Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Ngay sau khi mưa đá, giông lốc xảy ra, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) các tỉnh và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, 356, 313 khẩn trương triển khai các biện pháp giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả.

Các đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện tham gia phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ, kịp thời giúp đỡ nhân dân tìm người mất tích, chăm sóc người bị thương; tổ chức di dời hàng chục nhà dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tới nơi an toàn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những gia đình có người bị chết và tích cực giúp đỡ nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sau trận mưa đá, các bản, làng ngổn ngang đất đá, nhiều nhà cửa bị sập đổ, mái ngói, tấm lợp phibrôximăng vỡ vụn, còn trơ lại khung gỗ. Tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, Lai Châu, mưa lũ đêm 22/4 đã làm sạt lở, cuốn trôi 1 nhà dân và 1 lán nương, làm 1 người chết, 2 người mất tích.

Đây là đợt mưa đá, gió lốc lớn thứ 7 xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu và là đợt thứ 5 xảy ra trên địa bàn huyện biên giới Phong Thổ kể từ đầu tháng 3 đến nay, gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban CHQS huyện Phong Thổ đã huy động lực lượng gồm 15 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, 35 chiến sĩ dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và lực lượng tại chỗ xã Mù Sang tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. 

Tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích do lũ cuốn trôi. (Ảnh trong bài: Đức Duẩn). 

Bộ CHQS tỉnh Lai Châu cũng đã huy động 85 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 880 phối hợp cùng lực lượng chức năng và nhân dân huyện Phong Thổ tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích, di dời nhà cửa, tài sản của nhân dân ra khỏi các điểm trọng yếu.

Ngày 25/4, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 1 người dân tử vong là bà Háng Thị Mái (42 tuổi ở bản Sín Chải) bị vùi lấp trong đất đá. Hiện nay, công tác tìm kiếm hai nạn nhân còn mất tích đang được khẩn trương triển khai. 

Đại tá Triệu Quốc Nguậy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết: “Mặc dù quân số các đơn vị đang được huy động tối đa cho nhiệm vụ chốt chặn biên giới phòng, chống dịch, tuy nhiên chúng tôi đã chỉ đạo các đồn biên phòng bố trí cán bộ phối hợp với các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trước mắt, BĐBP tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ 5 triệu đồng đối với các gia đình có người bị chết và mất tích”.

Tại huyện Mai Sơn, Sơn La, đêm 22/4, mưa to, mưa đá, kèm gió lốc đã  khiến 1 người bị tử vong do đá lăn. Nạn nhân là chị Lò Thị Tuyết (SN 1982, trú tại bản Pát Ka, xã Nà Bó). Khi xảy ra mưa đá, kèm gió lốc, chị Tuyết cùng con xuống gầm nhà sàn để ẩn nấp, tuy nhiên không may một tảng đá bất ngờ từ trên núi lăn xuống nhà, đè trúng người khiến chị bị thương nặng. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Sau khi hết cách ly xã hội, hôm nay (27/4) học sinh các trường phổ thông bắt đầu trở lại trường nhưng mưa lũ đã gây hư hại nhiều trường học. Tại Lào Cai, mưa làm đổ và tốc mái 7 trường, trong đó: Huyện Bảo Thắng 5 trường, huyện Bảo Yên 1 trường, huyện Văn Bàn 1 trường. Các địa phương khác, nhiều trường học cũng ngập trong bùn đất và tốc mái. Hiện lực lượng vũ trang và các thầy, cô giáo đang nỗ lực giúp học sinh trở lại trường sớm nhất.       

Để tiếp tục giúp nhân dân và chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở đất và chủ động ứng phó kịp thời tình hình thời tiết diễn biến phức tạp thời gian tới, ngày 25/4, Cục Cứu hộ - Cứu nạn Bộ Tổng Tham mưu có điện gửi Bộ Tư lệnh (BTL) các Quân khu: 1, 2, 3, 4; Bộ đội Biên phòng; BTL Thủ đô Hà Nội và Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 đề nghị: 

Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, tuyệt đối không chủ quan; rà soát, điều chỉnh kế hoạch huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, có biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội, nếu có các hoạt động ngoài trời chú ý đề phòng khi mưa, giông lốc, sét, không để bộ đội hoạt động trên đồi cao, bãi đất trống, không núp dưới mương, kênh, máng, các vật dụng bằng kim loại, có phương án bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại và vũ khí, trang bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động giúp nhân dân ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống.

BTL các Quân khu: 1, 2, 3, 4 tiếp tục tăng cường lực lượng, chỉ đạo phối hợp giúp đỡ nhân dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giông lốc, mưa đá, sét đánh vừa qua; tập trung tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, khôi phục sản xuất, dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. 

Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, ngập úng, trọng điểm có nguy cơ cao, khu vực vùng sâu. Chú ý bảo đảm an toàn khi sử dụng lực lượng, phương tiện.

Theo baophapluat.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: