Quảng Nam xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cho giai đoạn mới

Đăng ngày: 12-05-2021 | Lượt xem: 3282
Cứ 5 năm, tỉnh Quảng Nam lại xây dựng một kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) đồng thời rà soát lại các loại hình thiên tai từng năm để có điều chỉnh phù hợp.

Năm 2020, tỉnh Quảng Nam chịu nhiều thiệt hại do sạt lở và lũ ống, lũ quét. Ảnh: L.K.

Năm 2020, tỉnh Quảng Nam chịu nhiều thiệt hại do sạt lở và lũ ống, lũ quét. Ảnh: L.K

Hơn 3 tháng để hoàn thiện

Là tỉnh nằm ở ven biển khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Nam hằng năm phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khác nhau. Trong đó, dựa theo đặc điểm giống và khác nhau của những loại hình để phân ra 2 dạng thiên tai cơ bản là áp thấp nhiệt đới gây bão và mưa lớn dẫn đến ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, để ứng phó với những tác động tiêu cực của thiên tai, thời tiết bất thường, tỉnh đã xây dựng một kế hoạch PCTT theo giai đoạn 5 năm 1 lần. Những nhiệm vụ cụ thể trước, trong và sau thiên tai cho các lực lượng, cấp ngành được nêu rõ trong kế hoạch này. Từ đó giúp địa phương chủ động hơn trong công tác ứng phó cũng như khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng thay đổi khắc nghiệt, trong trường hợp có những loại hình, kịch bản thiên tai mới xuất hiện, nên hàng năm, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu cho các địa phương rà soát lại. Căn cứ vào tình hình thực tế để có những điều chỉnh linh hoạt, giảm thiểu thấp nhất rủi ro từ thiên tai.

Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, xây dựng và hoàn thiện phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cho giai đoạn 2021 - 2025 để thay thế cho kế hoạch của giai đoạn 2016 -  2020.

Theo đó, kế hoạch này sẽ thực hiện từ cấp xã lên đến cấp huyện tổng hợp rồi trình tỉnh phê duyệt. Nếu có những điểm chưa phù hợp, Ban chỉ huy phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam sẽ có những điều chỉnh để đưa ra phương án chung cho toàn tỉnh. Dự kiến, tất cả các phương án này phải hoàn thành trước 31/8 khi chuẩn bị bước vào thời điểm mưa lũ.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, bình thường hàng năm, thiên tai gây thiệt hại cho tỉnh khoảng từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2020 vừa qua, mức độ thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay với con số thống kê lên đến hơn 11.000 tỷ đồng chủ yếu là do sạt lở đất ở các huyện miền núi.

“Nếu như chỉ có bão và ngập lụt thì thiệt hại cũng không đáng kể, đặc biệt là ít khi thiệt hại về người. Với bão, chủ yếu là hư hại các công trình nhà cửa, điện đường giao thông còn ngập lụt ảnh hưởng chủ yếu đến sản xuất, chẳng hạn như lũ đến sớm thì ảnh hưởng đến lúa vụ hè thu, trôi kho lúa, trâu bò, gia cầm, nuôi trồng thủy sản…”, ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết.

Tổng cục Phòng chống thiên tai tặng 1 trạm đo mưa cho xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: N.H.

Tổng cục Phòng chống thiên tai tặng 1 trạm đo mưa cho xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: N.H.

Sẵn sàng mọi phương án

Cũng theo ông Tý, hiện nay, phương án ứng phó với bão của tỉnh tập trung vào việc triển khai công tác sơ tán dân, chằng chống nhà cửa. Sơ tán dân có 2 hình thức là xen ghép qua những nhà kiên cố và thứ 2 là sơ tán tập trung. Đối với sơ tán tập trung thì phải chuẩn bị các nhu yếu phẩm để phục vụ nhu cầu tối thiểu về ăn uống, sinh hoạt cho người dân.

Còn đối với vấn đề ngập lụt, việc đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi cũng đặc biệt quan trọng. Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có đến 73 hồ chứa lớn nhỏ. Do đó, cứ trước ngày 15/8 hàng năm, Sở NN-PTNT sẽ hoàn thành công tác kiểm tra mức độ an toàn của các hồ chứa để báo cáo với tỉnh và Bộ NN-PTNT. Những hồ chứa hư hỏng, tỉnh sẽ chỉ đạo địa phương tạm thời gia cố, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nếu có nguy cơ rủi ro cao thì sẽ không cho tích nước.

“Ngoài ra, điểm mới trong công tác PCTT, ứng phó ngập lụt hạ du thủy điện là khi có dự báo trong 24 - 48 giờ tới có 1 trận mưa lớn có thể gây ngập lụt, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sẽ họp trực tuyến với thủy điện. Đồng thời quan sát các thủy điện xả lũ bằng hệ thống camera truyền về Văn phòng PCTT, thấy được mực nước hồ, thấy công trình xả. Khi thủy điện xả lũ, sẽ biết được vùng nào bị ảnh hưởng và báo cho người dân trước 4 tiếng để chuẩn bị”, ông Tý thông tin.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong công tác PCTT thì khó khăn nhất vẫn là vấn để về lũ quét và sạt lở đất. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xác định được 93 điểm sạt lở ở 9 huyện miền núi. Những điểm này tuyệt đối không bố trí dân cư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ giao cho các địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí này để người dân biết và phòng tránh khi mưa lớn xảy ra.

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam liên tiếp chịu những thiệt hại nặng về người do lũ quét, sạt lở đất. Theo báo cáo mới nhất của tỉnh, do nhiều tác động khác nhau, tình hình mưa lũ, sạt lở núi ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 2017, mưa lớn làm xảy ra 12 vụ sạt lở đất (trong đó huyện Bắc Trà My 6 vụ, huyện Nam Trà My 2 vụ tại xã Trà Vân; huyện Phước Sơn 2 vụ) làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hỏng. Năm 2020 xảy ra 5 vụ sạt lở đất được ghi nhận tại các địa bàn Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, đã có đến 30 người chết, 17 người mất tích.

Trước tình hình này, năm 2021, Quảng Nam đang tính đến phương án sẵn sàng vị trí kiên cố để sơ tán dân trước khi có thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn cho rằng trận mưa tới có khả năng xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Ngoài ra, chú trọng đến công tác di dời, bố trí lại dân cư.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh di dời gần 7.000 hộ ở những vùng nguy hiểm tới nơi tái định cư. Từ thời điểm được bố trí lại nơi ở đến nay, những hộ gia đình này đều không bị ảnh hưởng bởi sạt lở và lũ ống, lũ quét. Do đó, trong giai đoạn tới đây, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện theo phương án này.

“Đặc biệt, ngoài việc bố trí nơi ở an toàn thì chúng tôi sẽ lựa chọn những vùng có quỹ đất để người dân canh tác. Các địa phương có đăng ký kế hoạch sẽ bố trí cho bao nhiêu hộ, làm theo từng đợt. Những vùng nào có nguy cơ sẽ được bố trí trước”, ông Tý nói.

UBND tỉnh Quảng Nam đang giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài để ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét bằng việc thiết kế, lắp đặt hệ thống dây rung. Hệ thống này sẽ có tác dụng đo và tính toán độ biến động của đất. Khi mưa xuống thì khối đất sẽ có chuyển động nội lực làm rung dây cảnh báo. Mức độ rung của dây đo lường sẽ dự báo được việc xuất hiện các vết nứt có khả năng sẽ xảy ra sạt lở. Nếu dây rung tới mức biên độ sẽ xảy ra sạt lở thì sẽ chuyển thông tin lên loa cảnh báo.

Theo Báo Nông nghiệp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: