Sẵn sàng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Đăng ngày: 20-05-2020 | Lượt xem: 2109
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi thiên tai, do vậy, khi xảy ra thiên tai, sự cố các ngành, địa phương cần chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố cơ bản có thể xảy ra trên địa bàn để, chủ động triển khai ứng phó.
san sang cac kich ban phong ngua ung pho va khac phuc hau qua thien tai
Ảnh minh họa (Nguồn: Tr.L/Laodong.vn).

Thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, cụ thể, đã xảy ra 117 trận dông, lốc, mưa lớn trên 34 tỉnh/ thành phố. Tính đến ngày 18/5/2020, thiên tai đã làm 15 người chết, 85 người bị thương; 1.685 nhà sập, 54.269 nhà bị hư hại, tốc mái… ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.291 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp...

Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi cả nước. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai trong thời gian tới, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Chỉ thị).

Tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp từ trung ương đến cơ sở; đánh giá rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua, xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương phải chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố cơ bản có thể xảy ra trên địa bàn để khi xảy ra thiên tai, sự cố, chủ động triển khai ứng phó, không chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý xây dựng phương án ứng phó với tình huống xảy ra mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, công trình đê điều, hồ đập.

Các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc phải có phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh miền Trung phải có phương án ứng phó với mưa lũ lớn gây ngập lụt diện rộng, chia cắt kéo dài; các tỉnh Tây Nguyên đề phòng ngập lụt cục bộ; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có phương án ứng phó với bão mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn (không để tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt xảy ra hàng năm).

Giải pháp ngắn hạn của các tỉnh để trữ nước ngọt là đắp đập tạm, điển hình Kiên Giang vừa qua đã có 197 đập tạm để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đây là giải pháp ngắn hạn rất tốt, còn dài hạn, các hộ gia đình, xã, huyện phải chủ động được nguồn nước.

Theo baoxaydung.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: