Sư đoàn 324 (Quân khu 4): Điểm tựa vững chắc của nhân dân

Đăng ngày: 23-07-2019 | Lượt xem: 2343
Những năm qua, Sư đoàn 324 (Quân khu 4), bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy rừng trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, trở thành điểm tựa vững chắc của nhân dân nơi đây.

Chúng tôi trở lại các xã Minh Sơn, Xuân Sơn huyện Thọ Xuân và xã Thọ Tiến huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa sau gần 1 năm cơn lũ dữ đi qua, đối với bà con nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi tình thế ngàn cân treo sợi tóc trong nhiều ngày nước lũ lên nhanh. Thời khắc đó, được lệnh của cấp trên, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324, không quản ngại khó khăn, gian khổ dầm mình trong nước lũ cùng với bà con địa phương vận chuyển đất, cát, đá gia cố đê và di chuyển người già, trẻ nhỏ, tài sản lên nơi an toàn.

Trung tá Hoàng Viết Lợi, Chính uỷ Trung đoàn 3 nhớ lại: Ngay khi nhận được lệnh, cán bộ, chiến sĩ đơn vị khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị lên đường giúp đỡ nhân dân. Dù lúc đó trời mưa to, gió mạnh, chứng kiến “con lũ” lên nhanh do nước từ thượng nguồn đổ về nguy cơ vỡ đê bao rất cao, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều ý thức rằng, đây là nhiệm vụ nặng nề, phải nhanh chóng giúp đỡ bà con khỏi “cửa tử”.

Với phương châm “Làm đến đâu phải đảm bảo nhanh, an toàn chắc chắn đến đó”; tranh thủ mọi thời gian, đẩy nhanh tiến độ, chỉ riêng trong chiều ngày đầu tiên đơn vị cùng nhân dân đã gia cố được 245m đê bao an toàn và di dời tài sản 51 hộ gia đình lên cao; kê kích các vật dụng chống ngập cho 99 hộ dân khác… Việc làm kịp thời của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, bà con và cấp ủy chính quyền địa phương rất mến phục, để lại hình ảnh tốt đẹp anh bộ đội cụ Hồ.

 

Tiểu đoàn 17 Công binh tiến hành huấn luyện phòng chống thiên tai, bão lụt.

Đến Tiểu đoàn 17 Công binh, Sư đoàn 324, đã hơn 10 giờ trưa, trời nắng nóng gay gắt nhưng lớp huấn luyện của Đại đội 1 về các kỹ năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn như: sử dụng dây trong công tác cứu hộ, cứu nạn; kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân; kỹ thuật bơi ếch… đang diễn ra khẩn trương, nghiêm túc; nội dung lý thuyết mọi người ghi chép đầy đủ, phần thực hành mỗi cán bộ, chiến sĩ đều trực tiếp vận hành trên các thiết bị thuần thục.

Trao đổi với chúng tôi Thiếu tá Đặng Anh Hùng, Đại đội trưởng Đại đội 3 cho biết: Là đơn vị công binh, việc phòng chống thiên tai, bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đơn vị luôn đi đầu. Việc trang bị những kiến thức cho bộ đội về công tác cứu hộ, cứu nạn trong phòng chống thiên tai, bão lụt rất cần thiết. Qua đó, giúp anh em trong đơn vị không chỉ tự bảo vệ mình không bị đuối nước, mà còn biết sử dụng, vận hành thành thạo các thiết bị mang theo, giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; góp phần để giảm thiệt hại người và tài sản cho bà con nhân dân củng như của Nhà nước.

Trong giờ giải lao chúng tôi thấy các tốp chiến sĩ đang tranh thủ tìm hiểu nguyên lý vận hàng xuồng cứu hộ của đơn vị. Binh nhất Lô Văn Khởi, chiến sĩ Trung đội 9, Đại đội 3 tâm sự: Tôi thấy tham gia các buổi tập huấn, huấn luyện này rất bổ ích, vì khi có tình huống phòng chống thiên tai, bão lụt xảy ra chúng tôi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ được ngay. Chúng tôi xác định, tài sản của nhân dân hay của Nhà nước đều xem như của nhà mình, khi lâm nguy là phải có trách nhiệm bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn.

 
Cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 324 đang giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Sư đoàn 324 thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh Quân khu và Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đầu mùa mưa, bão phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nắm chắc tình hình để xử trí tốt các tình huống, không để bị động bất ngờ; kịp thời bổ sung vào kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn phù hợp với tình hình thực; triển khai trực sẵn sàng chiến đấu thường xuyên 24/24h, đặc biệt là trong giai đoạn mùa mưa bão đến. Bên cạnh đó, luyện tập thuần thục các phương án dự kiến thiên tai có thể xảy ra ở từng khu vực phù hợp với yêu cầu thực tế, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, trang thiết bị phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn như: chuẩn bị 6 xuồng máy, 77 nhà bạt, 6.671 phao, phao bè, áo phao, cùng hàng vạn dụng cụ cầm tay khác… Sư đoàn xác định nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ “Tác chiến trong thời bình” của quân đội.

Trao đổi với chúng tôi Đại tá Lê Hồng Nhân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 (Quân khu 4) cho biết: "Cùng với làm tốt việc giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm chắc nội dung huấn luyện tìm kiến cứu nạn theo đúng chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của chỉ huy các cấp, chúng tôi còn chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất huấn luyện tìm kiếm cứu nạn với số lượng cụ thể, chất lượng cao. Danh mục các vật chất huấn luyện tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống thiên tai, cháy rừng được đơn vị chuẩn bị đầy đủ, với hàng chục loại khác nhau, bảo đảm đáp ứng kịp thời khi có tình huống xảy ra".

Qua tìm hiểu, từ năm 2014 đến nay, Sư đoàn đã phối hợp với 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phòng chống cháy rừng 17 đợt, với quân số 2.575 người tham gia, chữa cháy được 91,5 ha rừng; tham gia 10 đợt khắc phục hậu quả lũ lụt, với quân số 1.022 người, giúp nhân dân thu hoạch hàng trăm tấn hoa màu; sửa chữa hàng trăm công trình các loại như: trường học, Uỷ ban nhân dân, trạm y tế, bệnh viện, nhà ở...; tổng dọn vệ sinh đường làng, thôn xóm; thu dọn cây cối, rác thải; tặng quà cho các gia đình chính sách. Ngoài ra, còn phối hợp với xác địa phương tiến hành nạo vét hơn 95km kênh mương nội đồng, phát quang khu vực dễ xảy ra hiện tượng mất an toàn do cháy nổ..../.

Theo cpv.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: