Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia

Đăng ngày: 27-10-2023 | Lượt xem: 1229
Ngày 26/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1251/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030.

Chương trình đề ra mục tiêu chung là hoàn chỉnh hệ thống tổ chức lực lượng và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030.

Cụ thể, trong giai đoạn 2023 – 2025 phấn đấu hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường quốc gia, kiện toàn hệ thống tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho các lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Hoàn thành việc xây dựng bộ kịch bản, quy trình ứng phó, các tài liệu hướng dẫn và thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường cấp quốc gia trên phạm vi cả nước; hoàn thiện hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Phấn đấu 100% kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia của các bộ, ngành, địa phương được ban hành.

Giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu hoàn thành việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; 100% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực thực hành các giải pháp kỹ thuật.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; hoàn thiện hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo của các trạm quan trắc phục vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Trong đó, về giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia cho lực lượng của các bộ, ngành, địa phương trong hệ thống ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nghiên cứu, hoàn thiện chế độ, chính sách cho lực lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực, quản lý tài chính trong thực hiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Đồng thời, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia trên cơ sở lực lượng của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ: Quan trắc; sơ tán người dân, tài sản; hỗ trợ y tế ban đầu; ứng phó, khắc phục hậu quả; bảo đảm an ninh trật tự; trong đó, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là lực lượng nòng cốt bảo đảm hoạt động, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cấp các trạm quan trắc môi trường hiện có của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ; nghiên cứu, dự báo các tình huống sự cố môi trường cấp quốc gia.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức về những nguy cơ, tác hại của sự cố môi trường cấp quốc gia; về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia nói riêng...

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

Ứng phó sự cố môi trường bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Xác định nguyên nhân sự cố môi trường; loại, số lượng, khối lượng chất ô nhiễm bị phát tán, thải ra môi trường; Đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật; Thực hiện các biện pháp cô lập, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động; thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, sinh vật và môi trường; Thu hồi, xử lý, loại bỏ chất ô nhiễm hoặc nguyên nhân gây ô nhiễm; Thông báo, cung cấp thông tin về sự cố môi trường cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ sự cố môi trường.

Anh Thư

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: