Thủ tướng ra công điện khẩn ứng phó với mưa lũ phức tạp kéo dài ở miền Trung

Đăng ngày: 13-10-2023 | Lượt xem: 973
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 950/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 12/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to. Dự báo từ nay đến ngày 14/10, ở khu vực từ nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 400mm, có nơi trên 700mm.

Ở khu vực phía bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 180mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở khu vực từ nam Nghệ An đến Quảng Nam: cấp 2.

Giai đoạn từ 15 đến 16/10, khu vực từ Quảng Bình - Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 150 - 300mm, có nơi trên 500mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và có diễn biến phức tạp.

Do ảnh hưởng của mưa lớn nên từ hôm nay đến 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông 4 - 8m, hạ lưu 1 - 4m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông Cả, sông La dao động ở mức BĐ1.

Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.

Trước diễn biến mưa lũ được dự báo phức tạp ở miền Trung, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện của Thủ tướng gửi các Bộ, ban ngành và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi về việc chủ động ứng phó với mưa lũ.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn. Có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Đồng thời hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày. Chủ động chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.

Thủ tướng giao Bộ TN-MT tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai theo quy định.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng quản lý Nhà nước được phân công phối hợp địa phương kịp thời chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, an toàn cho giáo viên, học sinh tại những khu vực bị ngập lũ…

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: