Tổng cục Khí tượng thủy văn: Chủ động “đón” mùa bão 2020

Đăng ngày: 17-04-2020 | Lượt xem: 5352
Hệ thống Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã và đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về khí tượng thủy văn để cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý về thiên tai và người dân trên mọi miền tổ quốc với phương châm “thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy và kịp thời”.

Xuất hiện “tổ hợp bất lợi”

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão và còn diễn ra quanh năm, cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây.

Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực tế ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ.

Dự báo có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020

Dự báo khả năng mùa mưa đến muộn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nên tình trạng khô hạn vẫn còn có khả năng duy trì trong nửa cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5/2020. Khu vực miền Trung mùa mưa sẽ đến muộn hơn các khu vực khác trên toàn quốc và tình trạng ít mưa và  khô hạn có khả năng còn kéo dài đến tháng 8/2020.

Trong những tháng còn lại của năm 2020, ngoài những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong mùa mưa như dông, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh trên biển do gió mùa Đông Bắc ở phía bắc trong thời kỳ chuyển mùa, từ tháng 4-5 và gió mùa Tây Nam ở phía Nam từ tháng 6-9/2020. Trong mùa bão năm 2020, cần đề phòng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ở Bắc Bộ trong tháng 8-9, và có khả năng sẽ dồn dập trong các tháng 10-12/2020 ở khu vực Trung Bộ trở vào phía Nam.

“Bão, mưa lớn có khả năng gây ra các thiên tai khác như lũ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực này đặc biệt là miền Trung”, Tổng cục Khí tượng thủy văn cảnh báo.

“Năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa  (từ năm 2015) kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường”, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office).

TS Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đánh giá, với 2 điểm đặc biệt lưu ý là số lượng xấp xỉ trung bình nhiều năm với khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất; các cơn bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020, thì đây là một trong những tổ hợp rất bất lợi cho công tác phòng chống thiên tai.

Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến khí tượng thủy văn

Trước những thách thức, khó khăn như vậy, GS.TS Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã ban hành nhiều Công văn chỉ đạo tất cả các đơn vị trong hệ thống dự báo quốc gia thực hiện đánh tổng kết rút kinh nghiệm công tác dự báo phòng, chống thiên tai năm 2019; đồng thời, rà soát hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, các quy định, quy trình kỹ thuật dự báo,.. Trên cơ sở đó, cập nhật, bổ sung phương án tác nghiệp trong năm 2020 sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu.

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn ngành Khí tượng thủy văn đã chuyển sang hình thức tác nghiệp từ xa để ứng phó với dịch bệnh Covid 19. Tuy nhiên, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vẫn phải đảm bảo thực hiện bản tin thời tiết hàng ngày, cảnh báo sớm thiên tai phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Không những thế, ngành Khí tượng thủy văn còn bổ sung, tăng cường các dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn, các bản tin chuyên đề theo yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương.

Để chủ động "đón" mùa mưa bão, toàn ngành Khí tượng thủy văn đã chuyển đổi, công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo KTTV quốc gia phải thường xuyên, liên tục, không chỉ chờ đến mùa mưa bão mới chuẩn bị.

“Hệ thống Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã và đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về khí tượng thủy văn để cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý về thiên tai và người dân trên mọi miền tổ quốc với phương châm “thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy và kịp thời”, GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

“Mặc dù, những năm gần đây, với sự quan tâm thực hiện nhiều giải pháp cùng với chất lượng dự báo bão được nâng cao giúp cho thiệt hại về người, tàu cá hoạt động trên biển đã được giảm thiểu và hầu như không có thiệt hại về người khi có bão, ATNĐ. Tuy nhiên, thiệt hại trên đất liền vẫn còn rất lớn; trong đó chủ yếu là do lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc; lũ, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển, đặc biệt là duyên hải miền Trung. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó với các loại hình thiên tai này”, TS Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Theo Báo TN&MT
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: