Triển khai mô hình xung kích trong phòng chống thiên tai: Hiệu quả và ít tốn kém

Đăng ngày: 16-09-2019 | Lượt xem: 1496
Mô hình lực lượng xung kích (LLXK) trong phòng chống thiên tai (PCTT) đang chứng tỏ hiệu quả tốt tại nhiều địa phương. Xung quanh mô hình này, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN).

Ông Hoài cùng lực lượng xung kích kiểm tra một điểm lũ quét tại Thanh Hóa mới đây

Xin ông nói rõ hơn về mô hình LLXK trong PCTT?

- Cha ông ta có câu “Thủy, hỏa, đạo, tặc” công cuộc chiến đấu với giặc nước để bảo vệ sản xuất, cuộc sống người dân qua nhiều thế hệ đã được thực hiện cùng với phương châm “4 tại chỗ” và LLXK hộ đê, phòng lụt ở các địa phương đã được hình thành từ lâu đời và là yếu tố quan trọng trong phương châm “4 tại chỗ”.

Theo báo cáo của các địa phương tính đến tháng 6/2019, cả nước có 8.386/11.162 xã (chiếm khoảng 75%) đã có LLXK PCTT. Tuy nhiên lực lượng được chủ yếu hình thành một cách tự phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, chưa có mô hình tổ chức cụ thể và cũng chưa được pháp lý hóa.

Sau khi có Luật PCTT, lực lượng này đã từng bước được pháp lý hóa, cụ thể tại các văn bản như Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 và Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ NN&PTNN về tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới; Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 21/03/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác PCTT…

Cụ thể nhất tại Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2019 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTT nêu rõ: Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cấp xã tham mưu Chủ tịch UBND xã quyết định thành lập… LLXK PCTT cấp xã với dân quân tự vệ làm nòng cốt và giao Ban Chỉ đạo TW về PCTT hướng dẫn hoạt động của LLXK PCTT cơ sở.

Hiện Ban Chỉ đạo TW về PCTT đang phối hợp với Cục Dân quân tự vệ,  Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng tài liệu hướng dẫn cho việc tổ chức và hoạt động của LLXK PCTT cấp xã một cách thống nhất gồm: Mô hình tổ chức, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, các trang thiết bị cần thiết và chính sách. 

Thời gian qua, thực tế tại địa phương xảy ra thiên tai như Thanh Hóa, Lào Cai... LLXK PCTT cấp xã đã phát huy hiệu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là khi mà lực lượng chuyên nghiệp chưa kịp tiếp ứng đối với các khu vực bị chia cắt và cô lập. 

Lực lượng này hỗ trợ sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, giúp đỡ các đối tượng dễ bị tổn thương (người già, trẻ em,..); Phối hợp có hiệu quả với lực lượng vũ trang khi được tăng cường theo phân công; Tổ chức cứu trợ, giúp dân sửa chữa nhà cửa vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

Mô hình này đang có những vướng mắc gì không, thưa ông?

- Tỏ rõ sự hiệu quả và ít tốn kém, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là LLXK chủ yếu là kiêm nhiệm tại địa bàn nên số lượng không nhiều lại thường xuyên biến động do đi làm ăn xa. Hơn nữa, các đội xung kích về cơ bản vẫn còn thiếu về kỹ năng trong công tác PCTT.

Bên cạnh đó, nguồn lực về vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động PCTT và TKCN của lực lượng xung kích chưa đáp ứng yêu cầu; Chưa có quy định về cơ cấu, tổ chức, chế độ chính sách cho LLXK PCTT; Công tác tập huấn, hướng dẫn các phương pháp cứu hộ thiên tai cho lực lượng này chưa được thường xuyên do chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ; tài liệu đào tạo, tập huấn cho lực lượng xung kích PCTT còn thiếu thốn.

Ngoài ra, một số xã thực hiện việc thành lập LLXK hàng năm còn mang tính hình thức, công tác chọn lựa nhân lực, kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của mô hình này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tổng cục PCTT, hơn 8 tháng năm 2019, thiên tai diễn ra liên tục trên các vùng miền và mang nhiều yếu tố bất thường, cực đoan.

Đó là hiện tượng như mưa lớn cực đoan với cường độ rất lớn trong thời gian ngắn: mưa 378mm/01 ngày tại Phú Quốc (vượt lịch sử); mưa 332mm/14h tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà;… Hay từ đêm 9/9 đến rạng sáng ngày 10/9 tại Phúc Trìu (Thái Nguyên) mưa tới 361 mm. Ngoài ra,  thiên tai lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng, trên diện rộng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ: Mường La, Sơn La; Mù Cang Chải, Yên Bái; Tân Lạc, Hoà Bình và gần đây nhất là đầu tháng 8/2019 tại Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Bên cạnh đó, lũ ngập lụt xảy liên tiếp tại khu vực miền Trung, đặc biệt là mưa lũ sớm gây ngập lụt những ngày đầu tháng 9 vừa qua tại các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị; Nắng nóng liên tục kéo dài trong tháng 6/2019 tại miền Trung; Gió mùa Tây Nam gây nước dâng tới 2m, tràn mặt đê gây sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau.. Từ đầu năm đến nay cũng đã có tới 4 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thiên tai làm 102 người chết, khoảng 1.000 nhà bị sập đổ, hơn 27.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 39.000 nhà bị ngập, 65km đê, kè bị sạt lở, 132km đường giao thông bị ngập, 50km đường giao thông bị sạt lở trên 434.000m3 đất đá, bê tông. Ước thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo baophapluat.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: