Bảo tồn đa dạng sinh học Thủ đô: Cần sự chung tay của cộng đồng

Đăng ngày: 07-05-2019 | Lượt xem: 3165
Sau 10 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội khóa XII thông qua, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn TP Hà Nội còn một số hạn chế cần được tháo gỡ. Để làm được điều này cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Hạn chế nguồn lực

Theo thống kê của các sở, ngành thành phố, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 hệ sinh thái, trong đó, có 3 hệ sinh thái quan trọng điều hòa môi trường của Thủ đô. Đó là hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm, lá nhiệt đới cây lá rộng xem cây lá kim ở độ cao từ 600m trở lên so với mặt nước biển chỉ có ở Vườn quốc gia Ba Vì; hệ sinh thái núi đá vôi, chủ yếu ở khu vực Hương Tích, Quan Sơn thuộc huyện Mỹ Đức. Hà Nội có khoảng 220 hồ chứa nước, trong đó, có nhiều hồ nổi tiếng như: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Xuân Khanh… điều hòa dưỡng khí cho Thủ đô.

Báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản pháp lý triển khai Luật Đa dạng sinh học. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tăng cường năng lực quản lý nhà nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học.

bảo tồn
Cá thể rùa được phát hiện tại hồ Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, TX. Sơn Tây, TP Hà Nội. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, do áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh, thay đổi phương thức sử dụng đất, nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở được xây dựng… Hà Nội đang đứng trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học. Thực tế cho thấy, diện tích sinh cảnh tự nhiên trên địa bàn Thủ đô đã làm giảm đáng kể, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Các loại tài nguyên thiên nhiên mà đặc biệt là tài nguyên sinh vật đang bị khai thác quá mức.

Trong khi đó, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp lên đa dạng sinh học; tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, nguồn lực cho công tác đa dạng sinh học của thành phố còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Được biết, kinh phí cho bảo tồn đa dạng sinh học được lấy chủ yếu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (khoảng 1% ngân sách nhà nước). Nhưng thực tế, nguồn lực này rất hạn hẹp, không đủ triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học như: Điều tra cơ bản về đa dạng sinh học; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng, nâng cấp, cải tạo khu bảo tồn,…

bảo tồn 1
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận 88 cá thể Tê tê từ Công an tỉnh Hưng Yên ngày 2/2/2016. Ảnh: Internet

Trong hoạt động bảo tồn ĐDSH, Khu bảo tồn được xác định là hạt nhân của công tác bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên các Ban quản lý hiện không có đủ trang thiết bị theo dõi quan trắc; dữ liệu điều tra về loài, hệ sinh thái lạc hậu, không được kiểm chứng và theo dõi cập nhật thường xuyên.

Cần cộng đồng chung tay

Trước thực tế đó, để có thể bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường của Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh, thành phố quyết liệt chỉ đạo tập trung phục hồi, bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái trên địa bàn. Cùng với đó, giảm thiểu, chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và các đe dọa, tác động tiêu cực khác đến đa dạng sinh học.

Từ thực tiễn và công tác công tác quản lý nhà nước, thành phố cần bố trí đủ nhân lực, vật lực cho nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Khi khó khăn về nhân lực và kinh phí được tháo gỡ, nguồn nhân lực, vật lực ấy cũng cần phát huy hiệu quả thiết thực nhất.

Thực tế cho thấy, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ, còn có tư tưởng sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, quà biếu tặng… coi đó như là phương thuốc quý chữa bệnh, thậm chí là để thể hiện sự giàu có của bản thân và gia đình mà vi phạm buôn bán động vật hoang dã. Những hành vi vi phạm đó dù vô tình hay cố ý cũng cần phải bị cộng đồng lên án mạnh mẽ, tẩy chay và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: