Bão số 7 gây mưa lớn miền Trung, dự báo Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Đăng ngày: 11-11-2024 | Lượt xem: 863
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/giờ.

Đến 4 giờ ngày 12-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ngãi-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6, giật cấp 8. Di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/giờ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục di chuyển trên khu vực Gia Lai-Bình Định.

Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m; biển động mạnh.

Từ chiều ngày 11-11, vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m; biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết Biển Đông sẽ đón 3 cơn bão liên tiếp.

Đầu tiên là cơn bão số 7 (tên quốc tế Yinxing). Bão số 7 đang hoạt động trên khu vực Biển Đông của Việt Nam. Một cơn bão nữa là bão Toraji hoạt động ở khu vực phía Đông của Philippines và một cơn ngoài khơi xa Tây Bắc Thái Bình Dương có tên Man-yi. Ngoài ra, còn 1 áp thấp nhiệt đới nữa xen kẽ giữa bão Toraji và bão Man-yi.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về các cơn bão đang hoạt động

Theo ông Hưởng, 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới này đều nằm trên một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Biển Đông. Và những cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới thường di chuyển theo hướng của trục dải hội tụ nhiệt đới.

Theo ông Hưởng, đây là điều giải thích tại sao trong thời gian sắp tới, khu vực Biển Đông liên tiếp đón nhận những xoáy thuận nhiệt đới. Đầu tiên là bão số 7, sau khoảng 24-48 tiếng tới có thể là bão số 8 và cũng không loại trừ khả năng trong thời gian tới có thể xuất hiện bão số 9. Với thời gian xuất hiện bão liên tục như vậy, trên biển duy trì tình trạng thời tiết nguy hiểm kéo dài.

Đối với cơn bão số 7, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết tác động nguy hiểm nhất là tình trạng gió mạnh trên biển. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 từ tối và đêm 11-11 đến hết ngày 12-11 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa. Từ gần sáng ngày 12-11 đến ngày 13-11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Từ đêm 13-11, mưa lớn giảm dần.

Người dân các vùng ven biển miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, cần theo dõi sát tình hình bão và chuẩn bị các phương án ứng phó để giảm thiểu rủi ro.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: