Trước năm 2020 đã có 8 chiến dịch diễn ra vào các năm: 1984 (Bracknell), 1985 (Wallops), 1989 (Dzhambul), 1993 (Tsukuba), 1995-1997 (Moscow & Wallops), 2001 (Alcantara), 2005 (Mauritius) và 2010 (Yangjiang). Kể từ khi chiến dịch gần đây nhất vào năm 2010 diễn ra ở Yangjiang (Trung Quốc), một số nhà sản xuất đã giới thiệu các mẫu máy thám không mới. Do đó đây là thời điểm thích hợp để lên một kế hoạch mới nhằm đánh giá những phát triển gần đây trong lĩnh vực này. Thêm vào đó chiến dịch mới này còn đánh giá tiềm năng, hiệu quả của các hệ thống quan trắc khác như viễn thám, máy bay và vệ tinh đối với quan trắc khí tượng trên cao.
Chiến dịch mới dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2021 tại Đài quan trắc khí tượng của DWD, Lindenberg (Đức), được tổ chức dưới sự bảo trợ của CIMO, với DWD và MeteoSwiss là những nhà tổ chức địa phương. Kế hoạch quan trắc tại Lindenberg sẽ kéo dài 4 tuần vào khoảng tháng 9 năm 2021, trong đó mỗi loại máy thám không sẽ thực hiện khoảng 30 lần quan trắc được phân bổ đều cho cả ngày và đêm. Các ca quan trắc định kỳ ở Lindenberg được thực hiện vào 0, 6, 12 và 18 UTC, ngoài ra các ca quan trắc khác không bị ràng buộc vào các thời điểm cố định trên có thể được lên lịch tùy ý. Theo thực tế thì các máy thám không không thể gắn đồng thời trên cùng một giàn, do vậy các máy thám không sẽ được phân phối trên 2 hoặc 3 quả bóng bay riêng biệt được thả cách nhau vài phút. Các chiến dịch trước đây được thực hiện mà không có tham chiếu vì không có máy thám không tham chiếu nào được thế giới chấp nhận rộng rãi. Điều này đã làm phức tạp cho việc so sánh các máy thám không trên các giàn khác nhau. Trong chiến dịch mới này, người ta đề xuất xây dựng tiêu chuẩn tham chiếu từ giá trị trung bình của ba máy thám không khác nhau của mỗi lần quan trắc. Việc chế tạo và chủng loại của ba máy thám không tham chiếu sẽ do Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) quyết định và giữ nguyên trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.
Tương tự như năm 1995, các thí nghiệm quan trọng trong phòng thí nghiệm với trọng tâm là đặc điểm các sai số và độ không đảm bảo của các cảm biến máy thám không sẽ diễn ra trong một thời gian riêng biệt; các hoạt động đó trong phòng thí nghiệm là một phần không thể thiếu và là việc bắt buộc của chiến dịch so sánh máy thám không. Đài quan trắc Lindenberg có các phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại để kiểm tra và xác định đặc tính của các máy thám không trong các điều kiện khác nhau, từ điều kiện bề mặt điển hình đến điều kiện gặp ở độ cao 35 km. Trong quá trình thiết lập, các thông số thí nghiệm liên quan như nhiệt độ, áp suất, hàm lượng hơi nước, ,… có thể được kiểm soát và giám sát để nghiên cứu độ chính xác của bộ cảm biến.
Hình 1: Hình ảnh chuẩn bị quan trắc so sánh tại Yangjiang (2010)
Đài quan trắc Lindenberg còn có một hệ thống thiết bị viễn thám phong phú và độc đáo sẽ được đưa vào chiến dịch nhằm đánh giá và mô tả hiệu quả của hệ thống thiết bị đó đối với các phép đo trên cao. Người ta cũng mong đợi rằng chiến dịch mới sẽ đưa ra được phương pháp luận về cách so sánh máy thám không với các thiết bị viễn thám.
Các nhà sản xuất sẽ gửi cả dữ liệu thô và dữ liệu đã xử lý vào cơ sở dữ liệu chung của chiến dịch.với định dạng chung là NetCDF. Bộ thông số tối thiểu bắt buộc phải có trong mỗi file dữ liệu sẽ do IOC chỉ định. Tất cả dữ liệu sẽ được cung cấp cho cộng đồng khoa học khi báo cáo cuối cùng được công bố.
Tài liệu tham khảo
1. https://www.wmo.int/pages/prog/www/IMOP/meetings/Upper-Air/UAI-2021-Planning/CIMO_UAI-Prep_INF.4_CIMO-17-Rec.docx
Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng Anh - Đài Khí tượng cao không
Tổng hợp: Vụ KHQT