Cần theo dõi chặt chẽ, dự báo cảnh báo kịp thời để chủ động ứng phó Bão số 06

Đăng ngày: 26-10-2024 | Lượt xem: 592
Chiều ngày 26/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức thảo luận trực tuyến về đánh giá tác động của cơn bão số 06 (TRAMI) trên biển Đông. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường chủ trì cuộc họp thảo luận.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV chủ trì cuộc họp

Phiên họp trực tuyến với sự tham gia của Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, các đơn vị của Tổng cục KTTV từ các đơn vị quản lý và tác nghiệp, các chuyên gia, các Đài KTTV khu vực: Bắc Trung bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và các Đài KTTV tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Thông tin về cơn bão số 06, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Hồi 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 440km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 20km/h. Từ thời điểm này trở đi, bão sẽ gây gió mạnh cấp 6, cấp 7 cho hầu khắp khu vực biển Trung Bộ. Càng dịch chuyển gần vào bờ, bão càng gây gió mạnh hơn. Khu vực đảo Lý Sơn cũng như khu vực biển Trung Bộ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12. Từ chiều tối và đêm ngày 26 đến sáng ngày 29/10: Khu vực Quảng Bình: 200-400mm. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam: 300-500mm, Quảng Ngãi: 250-250mm; Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h); Bình Định, Kon Tum: 100-200mm, Gia Lai 70-150mm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều nay, khu vực ven biển và đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi bắt đầu có mưa rào và dông. Từ thời điểm này trở đi thì khu vực Trung Bộ xuất diện một cái đợt mưa lớn. Ông Hưởng lưu ý, đây là đợt mưa có cường suất lớn, lượng mưa trong ba tiếng có thể lên tới trên 100 mm, lượng mưa trong 6 - 12 tiếng có thể trên 200 mm. Về gió mạnh trên đất liền, khoảng gần sáng và ngày mai 27/10, khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Nam có khả năng có cái gió ven biển mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9. Gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều mai, sau đó có thể suy yếu thành vùng áp thấp khi quay ra biển. Dù vậy, do ảnh hưởng từ không khí lạnh, các tỉnh vẫn duy trì gió mạnh sau khi bão đổi hướng nên cần lưu ý. Nước dâng do bão vùng ven bờ: từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m. Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Thông tin thêm về tình hình thuỷ văn, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết hiện nay, mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai đang biến đổi chậm. Các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ, biên độ từ 3-8m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi lên mức BĐ2-BĐ3; các sông nhỏ trên BĐ3; các sông ở Quảng Bình BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum BĐ1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, khu đô thị tại các tỉnh Quảng Bình đến Bình Định.

Trao đổi trực tuyến với các Đài KTTV Khu vực và các Đài KTTV tỉnh tại cuộc hợp

Trao đổi trực tuyến, ông Đinh Phùng Bảo, Giám đốc Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ, cho biết, từ kinh nghiệm trước đây cho thấy, bão khi đổ bộ vào khu vực Trung Bộ thông thường sẽ hạ cấp rất nhanh. Với cơn bão này, khả năng nếu chạm bờ rồi quay ra biển chỉ còn là áp thấp nhiệt đới. Vấn đề đáng lo ngại cho khu vực Trung Trung bộ là việc đảm bảo công tác truyền tin, truyền số liệu từ các trạm quan trắc thông suốt trong thời gian bão ảnh hưởng đến nước ta. Thực tế, đường truyền, tín hiệu của các trạm đang phụ thuộc vào hệ thống cáp viễn thông của các nhà mạng. Khi bão vào có thể gây sự cố đối với hệ thống này và nguy cơ làm gián đoạn việc truyền tin, ảnh hưởng rất lớn đến việc theo dõi diễn biến bão và công tác dự báo, cảnh báo. Kiến nghị cần có một giải pháp cho việc truyền, nhận thông tin, tín hiệu chuyên dụng cho Ngành KTTV trong thiên tai bão lũ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đề nghị các đơn vị dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ và các Đài địa phương cần lưu ý, bão số 6 có hoàn lưu bão rộng nên tác động về gió, mưa cũng sẽ rộng, gây gió mạnh cả trên biển và đất liền. Mưa có thể tập trung ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đề nghị các Đài địa phương thông tin khẩn trương, kịp thời đến Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần theo dõi chặt chẽ cơn bão này: Dự báo và cảnh báo thời điểm bão đổi hướng và quay ra biển; cường độ bão khi vào sát bờ hoặc vào bờ, và cường độ bão khi quay ra biển; cường độ mưa, lượng mưa và thời gian mưa lớn tập trung... đặc biệt trong khoảng thời gian từ đêm nay đến sáng mai. Đồng thời ông đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn khuyến cáo chính quyền các địa phương và người dân cập nhật thường xuyên các dự báo diễn biến mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời; Vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư hạ du; tuyệt đối không lội qua sông suối, cầu tràn, ngầm tràn, đánh bắt cá vớt củi trên sông, không đi qua hay lại gần những khu vực đã sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở. Đây là cơn bão hiếm gặp khi hướng vào bờ rồi lại quay ra biển, bởi vậy, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị cần cập nhật thông tin liên tục trong các bản tin dự báo tiếp theo, chi tiết hơn về vùng gió mạnh, chú trọng cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ biển, các khu vực ngập lụt...

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: