Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường họp chỉ đạo cuộc họp trực tuyến công tác dự báo cơn bão số 3

Đăng ngày: 03-09-2024 | Lượt xem: 783
Tối ngày 3/9, tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến công tác dự báo cơn bão Yagi (cơn bão số 3). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp.

 

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có đại diện Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng, đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV và các Đài KTTV khu vực.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trình bày về cơn bão số 3 tại cuộc họp

Trình bày về cơn bão số 3 tại cuộc họp, Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết hồi 19 giờ ngày 3/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102 km/h), giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10 km/h. Như vậy, bão đã tăng 2 cấp so với buổi sáng khi đi vào Biển Đông. Dự báo cơn bão sẽ đạt cực đại cấp 14, giật cấp 17 trên khu vực bắc Biển Đông.

Từ nay đến ngày 6/9, bão số 3 sẽ di chuyển ổn định theo hướng Tây với tốc độ trung bình khoảng 10-15 km/giờ. Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội, sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão có sóng cao 3-5 m.

Từ 5-6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão. Độ cao sóng tăng dần lên 7-9 m, biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Tổng hợp các Trung tâm dự báo quốc tế đều thống nhất cơn bão số 3 có thể độ bộ vào Việt Nam, tâm bão nhiều khả năng đi vào khu vực các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần tập trung toàn bộ nhân lực, theo dõi chặt chẽ các diễn biến và các yếu tố có thể tác động đến diễn biễn bão, từ đó đưa ra thông tin dự báo chính xác và kịp thời nhất. Trung tâm và 3 đài khu vực trong vùng bão: Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Miền núi phía Bắc tập trung dự báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Vụ quản lý mạng lưới phối hợp với Trung tâm Mạng lưới quốc gia và 3 đài khu vực tổ chức quan trắc tăng cường theo yêu cầu của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia; có đánh giá, tổng hợp, báo cáo sau đợt quan trắc tăng cường lần này. Các đơn vị cũng đảm bảo đường truyền tin thông suốt và sẵn sàng các phương án dự phòng nếu có sự cố xảy ra.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng phát biểu tại cuộc họp

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhận định, hiện nay đã bước vào giai đoạn mưa bão có diễn biến phức tạp. Chính vì thế, Tổng cục KTTV cần cẩn trọng, đề cao cảnh giác, đảm bảo hệ thống kỹ thuật hoạt động liên tục ổn định, thông tin thông suốt, công tác ứng trực, dự báo được triển khai chặt chẽ, bài bản.

Về cơn bão số 3, trong tình hình các cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương và địa phương hiện chưa hoàn thiện, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Văn phòng Bộ liên hệ Văn phòng Chính phủ; Tổng cục chỉ đạo các đài KTTV khu vực liên hệ các đầu mối công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương. Các đài KTTV cần tìm hiểu từng tỉnh, thậm chí làm việc trực tiếp để có thể kịp thời cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo trong thời gian có bão.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục theo dõi sát diễn biến bão và thông tin các vùng nguy hiểm trong 24-36 giờ. Cơn bão số 3 có khả năng thay đổi hướng đi và tăng tốc nhanh hơn, bởi vậy, cơ quan dự báo cần chủ động thông tin kịp thời tới lực lượng bộ đội biên phòng để cảnh báo và kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thứ trưởng lưu ý Tổng cục cần theo dõi sát các hiện tượng thời nguy hiểm quy mô nhỏ có thể xảy ra trước khi bão vào bờ và gây thiệt hại. Bên cạnh đó, cần dự báo cẩn trọng lượng mưa và lưu ý đến hoạt động vận hành hồ chứa. “Dù bão còn xa nhưng dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Khoảng thời gian từ nay đến cuối năm cũng được dự báo có nhiều thiên tai, thời tiết phức tạp. Tổng cục cần nỗ lực bám sát tình hình để dự báo phục vụ giảm thiểu đến mức thấp nhất”.

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: