El Nino vẫn có khả năng xuất hiện những kỷ lục mưa

Đăng ngày: 15-08-2023 | Lượt xem: 1598
Theo Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia mặc dù hình thái El Nino khiến xu thế lượng mưa giảm, nhiệt độ tăng, nhưng vẫn có khả năng xuất hiện những kỷ lục mưa.

Mùa hè năm nay được dự báo El Nino xuất hiện và duy trì đến năm 2024. Các chuyên gia cho biết, đặc điểm của El Nino là nắng nóng có thể nhiều hơn, gay gắt hơn và khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên cả nước đang có những đợt mưa lớn liên tiếp, cực đoan, dẫn đến nhiều hậu quả như sạt lở nghiêm trọng ở nhiều địa phương: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Yên Bái, Sơn La…

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mặc dù El Nino khiến xu thế lượng mưa giảm, nhiệt độ tăng, nhưng vẫn có khả năng xuất hiện những kỷ lục mưa.

Theo ông Hoà, một số năm El Nino trong quá khứ vẫn xảy ra các thiên tai mưa rất lớn, bão rất mạnh như: năm 2015 tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực, cụ thể: lũ lớn trên báo động 3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng, sông Thái Bình; lũ lớn Trung bộ cuối tháng 9 trong đó có xuất hiện lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); Nam Bộ đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hay là năm 2009, xuất hiện cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi cũng gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9 năm 2009. Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3; ngập lụt ngiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.

Ông cho biết đến thời điểm hiện tại, các diễn biến thời tiết và khí hậu trên phạm vi cả nước vẫn diễn biến theo xu thế chung được dự báo; kể cả một số các hiện tượng cực đoan như nắng nóng, mưa lớn cũng đã xuất hiện một số cực đoạn, kỷ lục như: đầu mùa hè (tháng 5-7/2023), đã ghi nhận nền nhiệt độ trên các khu vực ở toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, tháng nào cũng xuất hiện những giá trị kỷ lục về nhiệt độ, đặc biệt tại Tương Dương (Nghệ An) đã xuất hiện giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối 44,2 độ C vào ngày 7/5, được đánh giá là giá trị nhiệt độ cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (giá trị cũ là 43,4 độ C tại Hương Khê (Hà Tĩnh) thiết lập trước đó vào tháng 4/2019.

Lượng mưa trên phạm vi toàn quốc vẫn phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt tháng 5 và tháng 7, lượng mưa tại Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến thấp hơn từ 20-80%; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Ngoài ra, cũng đã xuất hiện những giá trị lượng mưa tháng và mưa lớn cục bộ trong 24h vượt giá trị lịch sử (GTLS) và gây ra những khu vực bị lũ quét và sạt lở đất khá nghiêm trọng ở khu vực Nam Tây Nguyên. Chẳng hạn như lượng mưa tháng 6/2023 tại Đà Lạt đạt 430mm (vượt GTLS trước đó vào tháng 6/1992 là 414mm), tại Bảo Lộc lượng mưa tháng 6 đạt 681mm (vượt GTLS trước đó vào tháng 6/1981 là 620mm).

Chuyên gia nhận định, dự báo từ nay đến khoảng những tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%; dự báo đến khoảng các tháng giữa năm 2024, hiện tượng El Nino có dấu hiệu suy yếu dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính trong các tháng nửa cuối năm 2024 với xác suất khoảng 50-60%.

Ngay từ tháng 5,  Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra nhận định, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Cơn bão bão Khanun gây hậu quả nặng nề ở Trung Quốc và trước đó là đợt lũ lụt lịch sử. Nhận định, từ nay đến hết năm 2023 còn có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ. Trong tháng 9/2023, bão có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ tháng 10-12/2023 sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.

Từ nửa cuối tháng 8 và tháng 9, khu vực Bắc Bộ vẫn là thời kỳ mùa mưa, do vậy, các đợt mưa lớn vẫn có thể xuất hiện, lượng mưa có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 10 đến cuối năm, lượng mưa ở các khu vực trên toàn quốc có khả năng phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đáng lưu ý là khu vực miền Trung trong các tháng chính mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 12) có khả năng thiếu hụt lượng mưa. Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện mưa lớn cục bộ, ở phạm vi hẹp, nguy cơ gây lũ quét và sạt lở đất.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: