Hành trình chiến đấu với Yagi của dự báo viên thủy văn

Đăng ngày: 19-09-2024 | Lượt xem: 436
Đồng hồ điểm hơn 1h sáng cũng là lúc vừa tròn 5 tiếng, bảy anh chị em chúng tôi trong ca trực đêm vẫn không rời khỏi màn hình máy tính để dõi theo những chuyển động của từng con số. Mưa vẫn xối xả, dòng chảy vẫn cuồn cuộn mặc cho những bất an, lo lắng trong lòng chúng tôi cứ tăng lên.

Bất chợt, từ ngoài cửa vọng vào: “Anh chị em thay nhau ngả lưng đi, trận lũ này sẽ kéo dài, không thay nhau là không có sức đâu”, bên trái góc phòng, cô em gái ló mặt ra “Em không thể chợp mắt được đâu, nước lên nhanh quá, nhắm mắt vào chỉ toàn thấy số là số”. Rồi đứa em út ngồi ngay sau tôi cũng lên tiếng “Bình thường mệt là em ngủ được ngay mà nay thì chả buồn ngủ tý nào”. Hơn 1h sáng giọng nó vẫn lanh lảnh, đôi mắt thao láo. Cũng trong khoảng hơn 1h sáng, căn phòng vang lên giọng nói hốt hoảng: “Lưu lượng về hồ Thác Bà cao quá, hơn 5.000m3/s, rồi hồ Tuyên Quang nữa, có khi vượt lũ lịch sử năm 2009, thế này hồ phải xả, mực nước hạ lưu sẽ lên báo động 3 chứ không phải báo động 2, ngập hết thôi”.

Tôi đành trấn an “anh cứ bình tĩnh, rồi sẽ ổn thôi”. Căn phòng vốn yên ắng, tĩnh lặng trong những đêm ngày thường khi chúng tôi trực ca thì nay bị xé toạc bởi những âm thanh vội vã, tiếng hốt hoảng, tiếng bàn phím lạch cạch xen lẫn với tiếng thở dài bất lực trước sự cuồn cuộn của sóng lũ.

Từng tiếng một, chúng tôi nín thở theo dõi từng trị số của các quan trắc viên điện về, mực nước cứ liên tục nhảy số từ báo động 1, báo động 2, rồi lên trên cả báo động 3, có những trạm vượt cả lũ lịch sử, chưa bao giờ lằn ranh giới giữa các cấp báo động lại mong manh đến thế.

02h30’ anh em chúng tôi lại bắt tay vào “cân, đo, đong, đếm” từng trị số để kịp cho bản tin lúc 03h30. Có tới hai, ba phương án được đưa ra mà đôi khi chỉ cách nhau vài ba chục phân nước, sự giằng co trong từng trị số khiến chúng tôi căng như một dây đàn, cứ bàn đi tính lại. Sự dày dặn, sự lão luyện trong nghề tưởng chừng có thể vượt qua được tất cả thì nay cũng bị lung lay bởi sự giận dỗi dữ tợn của thiên nhiên. “Thôi, không chần chừ nữa, quyết đi, bao người đang chờ tin” - Sếp tôi thúc giục. “Chốt”- câu nói chốt hạ mà anh em chúng tôi vẫn thường nói với nhau khi đưa ra trị số cuối cùng để phát bản tin đi.

Đã 17 năm bén duyên với nghề, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi soát 1 bản tin dự báo lũ dài đến thế, nhiều sông đến thế, nhiều tỉnh thành đến thế, nhiều trạm đến thế, cứ chen chân xếp thành hàng dài vào bản tin.

Hơn 12 giờ trôi qua, mưa chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mực nước vẫn cuồn cuộn đổ về hạ lưu ở khắp các tỉnh thành miền Bắc. Ngay cả Hà Nội- nơi những con sông quê tôi hiền hòa lắm, cũng bỗng chốc dữ dằn dâng cao len lỏi vào từng góc phố, in dấu vào từng mái tường, mái nhà.

Ở khắp các tỉnh thành khác, nơi những đồng nghiệp của tôi đang tác nghiệp, cũng chỉ kịp thông tin “nước lên cao lắm, ngập hết rồi”. Đang lăn tăn, trăn trở từng trị số dự báo, thì một em đồng nghiệp trẻ tuổi đang tác nghiệp ở chiến tuyến trạm Bảo Yên nhắn vội trên nhóm “chỗ em cắt điện rồi, điện thoại sắp hết pin, thế này vấn đề liên lạc không thể thực hiện chuyển điện về được nữa, e xin báo cáo mực nước vẫn đang lên và sẽ tiếp tục lên”. “Ngập hết rồi các anh chị ơi”, lại một chiến tuyến khác thông báo. “Em không biết chồng và bố mẹ ở nhà có kịp bê đồ lên tầng 2 không, em thì phải bám trụ ở cơ quan không thể về được rồi, gọi điện thì không ai nhấc máy, em lo quá”…Thương lắm!

Thấy những đồng nghiệp ở tuyến đầu của chúng tôi kiên cường, vượt dòng nước dữ, mặc bão táp, mưa giăng vẫn đo từng con nước để kịp truyền số liệu về cho chúng tôi dự báo mà cảm động vô cùng, khâm phục lắm ý chí kiên cường, tinh thần không bỏ cuộc, làm sao có thể tả hết sự hi sinh lớn lao ấy. Nếu không có các anh, các chị thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình đâu. Cảm ơn các anh chị em nhiều lắm những người đã đương đầu với gió to, lũ dữ!

Giờ đây, khi đang ngồi viết lại những hành trình đã qua cũng là lúc chúng tôi phát bản tin cuối cùng về lũ ở các sông chính nơi chúng tôi phụ trách, những cảm xúc ùa về nguyên vẹn như ngày đầu. Những lo lắng về thủy văn dần tan biến nhưng những xót xa do hậu quả của hoàn lưu cơn bão số 3 vẫn còn đó.

Vẫn biết thiên tai thật khó lường và con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng nhìn đồng bào tôi, đang và vẫn nhiều ngày dầm nước, ko biết ăn bằng gì, uống bằng gì, tồn tại ra sao, cảm giác xót xa ấy cứ đeo bám mà đôi lúc chỉ muốn trực trào trên khóe mắt, sống mũi và đôi khi là cả sự tự trách bản thân, nếu chúng tôi cảnh báo, dự báo được trước đó nhiều ngày, bà con có thời gian kịp chuẩn bị thì có lẽ hậu quả sẽ không nặng nề như vậy chăng, câu hỏi đó cứ xoáy sâu vào trí óc mà không biết lúc nào mới tan biến.

Hành trình Yagi đã trở thành quá khứ, nhưng chắc chắn sẽ là một ký ức không bao giờ quên,

Ký ức ấy là những ngày đêm dài cùng đồng đội tôi “chiến đấu, vật lộn” với từng con lũ, “cân, đo, đong, đếm” từng trị số;

Ký ức ấy là những đôi mắt thâm quầng, nặng trĩu vì nhiều ngày không ngủ với cái bụng rỗng mà không thấy đói;

Ký ức ấy là những hi sinh, vất vả, quyết bám trụ đến cùng của những đồng đội tôi nơi tuyến đầu quan trắc;

Và ký ức ấy là những ngày tháng không làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người vợ, người chồng, người cha khi đã dành toàn bộ sức lực cho công việc.

Nhưng sau tất cả, hãy vững bước lên nhé đồng đội khí tượng thủy văn của tôi

Bởi tôi tin,

Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng

Những hạt phù sa sẽ lại đem mỡ màu cho hoa.

Trực lũ

Những ngày đầu tháng 9 năm 2024 - Viết cho hành trình không bao giờ quên.

Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phòng Dự báo Thuỷ văn, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: