Sự cần thiết ban hành Nghị định
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; KTTV; đo đạc và bản đồ đã được quy định tại các Nghị định: số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTTV, đo đạc và bản đồ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017; số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; KTTV; đo đạc và bản đồ). Hệ thống các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên môi trường nói chung và lĩnh vực KTTV nói riêng, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong quá trình xây dựng các Nghị định, Bộ đã luôn chú trọng việc xây dựng nội dung xử phạt phải bảo đảm phù hợp với khung, mức phạt, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với mỗi hành vi vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 13/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 có nhiều nội dung cơ bản, quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó một số nội dung sửa đổi liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, KTTV, đo đạc và bản đồ, như: (1) sửa đổi về biện pháp khắc phục hậu quả; (2) tăng mức phạt tiền của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…); (3) tăng giá trị được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thanh tra, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển …); (4) sửa đổi, bổ sung tên gọi một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; (5) sửa đổi, bổ sung về thủ tục xử phạt (Điều 58 về lập biên bản vi phạm hành chính).
Mặt khác,trong quá trình thi hành Nghị định số 173/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2017/NĐ-CP và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022) cho thấy: (1) một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định về nội dung quản lý nhưng chưa có quy định về xử phạt để thực hiện; (2) một số hành vi tại các Nghị định xử phạt qua rà soát còn thiếu so với quy định pháp luật cần bổ sung để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả; (3) quy định về một số hành vi chưa phù hợp với thực tiễn, cần có sự điều chỉnh.
Do vậy, để bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực KTTV, thực tiễn trong quá trình thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì việc trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTTV là cần thiết.
Mục đích và quan điểm xây dựng Nghị định
Việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTTV nhằm mục đích để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời khắc phục tồn tại, bất cập của các Nghị định xử phạt qua quá trình triển khai thực hiện; Tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về KTTV; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về KTTV; Nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Dự thảo Nghị định được xây dựng bám sát các quan điểm sau: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020), Luật Đất đai năm 2013, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật KTTV, kỹ thuật soạn thảo, văn phong pháp lý phù hợp theo quy định.
Kế thừa những nội dung xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, KTTV, đo đạc và bản đồ còn phù hợp; phát huy hiệu lực, hiệu quả, khắc phục những hạn chế, bất cập của một số quy định tại các Nghị định xử phạt trong các lĩnh vực nêu trên.
Không mâu thuẫn, chồng chéo với các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính của các lĩnh vực có liên quan; các quy định của Nghị định phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nội dung quy định của Nghị định đảm bảo rõ ràng, cụ thể, chi tiết và khả thi; không phát sinh thủ tục hành chính mới, đơn giản hóa hồ sơ, biểu mẫu để thuận lợi trong quá trình triển khai, thực thi các thủ tục hành chính.
Bố cục và nội dung cơ bản của Nghị định
Nội dung dự thảo Nghị định theo 02 nhóm vấn đề chính: (1) Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (2) Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nội dung các quy phạm đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quá trình triển khai thi hành.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương 27 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung: gồm 5 điều, từ Điều 1 tới Điều 5.
Chương II. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính: gồm 10 điều, từ Điều 6 tới Điều 15.
Chương III. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực khí tượng thủy văn: gồm 8 điều, từ Điều 16 tới Điều 24.
Chương IV. Điều khoản thi hành: gồm 3 điều, từ Điều 25 tới Điều 27.
Tạp chí KTTV