Để tổ chức triển khai, Kế hoạch sẽ tập trung thực hiện 3 nội dung chính gồm: Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách; Điều hòa, phân bổ, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Đồng thời Kế hoạch cũng đề ra danh mục 17 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện nhằm triển khai thực hiện.
Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về tài nguyên nước
Đối với nội dung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ TN&MT tập trung rà soát, đánh giá việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã ban hành trong quá trình triển khai thực hiện trên lưu vực sông Cửu Long để đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ nguồn sinh thủy; tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, tái sử dụng nước; cơ chế tài chính; cơ chế thu hút, huy động các nguồn lực tài chính trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương trên lưu vực.
Cùng với đó, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trên lưu vực để rà soát các quy định pháp luật khác có liên quan; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với ông trình xây dựng, hạ tầng xây dựng bảo đảm việc tích trữ nước mưa, nâng cao năng lực tiêu thoát nước, đặc biệt là các đô thị; rà soát các quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 2 tỉnh trở lên thuộc lưu vực sông Cửu Long, quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch cấp, thoát nướcđô thị đã được ban hành để phù hợp với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long.
Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương trên lưu vực để rà soát các nội dung về phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh để đảm bảo phù hợp thống nhấtvới quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long. Rà soát, bổ sung các cơ chế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới; đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia liên quan đến lưu vực sông Cửu Long.
Điều hòa, phân bổ, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước
Đối với nội dung điều hòa, phân bổ, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước, Bộ TN&MT tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, mô hình số để kết nối thông tin, dữ liệu, thực hiện giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Xây dựng, nâng cấp hệ thống để phục vụ kiểm soát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và duy trì hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long; nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước; Thực hiện việc giám sát dòng chảy, chất lượng nước ở các vị trí trên các sông, suối theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai xây dựng phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước; triển khai các nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra và phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông như: Tổ chức đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, ưu tiên các sông chảy qua khu đô thị, khu dân cư tập trung trên lưu vực sông Cửu Long; Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước đảm bảo phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước, dòng chảy tối thiểu và không vượt quá trữ lượng có thể khai thác trên lưu vực sông Cửu Long; Tổ chức thực hiện đo đạc, quan trắc dòng chảy, chất lượng nước trên các sông liên tỉnh thuộc lưu vực sông Cửu Long.
Nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
Về nội dung khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT sẽ tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước phù hợp với đặc thù của lưu vực sông Cửu Long. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về nguồn nước xuyên biên giới của lưu vực sông Cửu Long trên cơ sở các thỏa thuận, cơ chế hợp tác trong hiệp định Mê Công 1995 và các thỏa thuận song phương, đa phương khác. Tăng cường vai trò tổ chức lưu vực sông của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; tăng cường các hoạt động giám sát nguồn nước xuyên biên giới, tham gia xây dựng kịch bản nguồn nước và đề xuất các giải pháp thực hiện.
Tạp chí KTTV tổng hợp