Nâng cao năng lực phòng, chống úng ngập

Đăng ngày: 06-05-2022 | Lượt xem: 1557
Mùa mưa bão năm 2022 đã cận kề với dự báo có thể xuất hiện những hình thái thời tiết cực đoan. Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, tạo thách thức lớn trong công tác phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành Hà Nội. Để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang tập trung nâng cao năng lực công trình phòng, chống úng ngập.

Công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm kiểm tra thiết bị Trạm bơm Cống Thôn.

Nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp

Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy cho biết, mùa mưa bão năm nay, thành phố Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 5-7 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Tổng lượng mưa trong các tháng 5, 6 và 7 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Đáng chú ý, khu vực ngoại thành có tổng lượng mưa lớn hơn nội thành từ 10 đến 20mm. Khoảng giữa đến cuối tháng 5, trên các sông có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với biên độ 1-2m. Tháng 7 và 8, trên hệ thống sông Hồng có khả năng xuất hiện 2-4 trận lũ với biên độ 1-4,5m. Tháng 9 và 10, trên hệ thống sông Đáy có khả năng xuất hiện 2-4 trận lũ với biên độ 1-4m... “Những năm thời tiết xảy ra hiện tượng chuyển pha, từ lạnh sang trung tính như 2022, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ... thường có diễn biến trái quy luật”, ông Nguyễn Văn Bảy nói.

Trong khi đó, hệ thống thủy lợi đảm nhận vai trò phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành đang đứng trước nhiều khó khăn. Tại các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín... nhiều trạm bơm, kênh và cống tiêu ra các sông: Hồng, Tích, Bùi, Nhuệ, Đáy... bị bồi lắng, hư hỏng, xuống cấp. Đơn cử, Trạm bơm Bộ Đầu được xây dựng năm 1989 gồm 27 tổ máy, làm nhiệm vụ tiêu úng cho 1.214ha dân sinh, sản xuất nông nghiệp của các xã: Thống Nhất, Lê Lợi, Tô Hiệu, Vạn Điểm, Văn Tự, Minh Cường (huyện Thường Tín) có nhiều hạng mục bị hư hỏng như: Mái bể hút bị sạt lở; bể xả có nhiều vết lún, nứt; mái nhà trạm bị thấm dột; ống hút bị thủng... Trạm bơm Gạo Hồ xây dựng năm 1974 với 7 tổ máy có nhiệm vụ tiêu úng cho 128ha sản xuất nông nghiệp của xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên), các hạng mục bể hút, bể xả, nhà trạm bơm, máy bơm, hệ thống điện, cống xả qua đê... đều bị hỏng, xuống cấp.

Không riêng trạm bơm, nhiều sông, kênh, cống làm nhiệm vụ tiêu úng cũng bị bồi lắng, hư hỏng. Đáng chú ý, nhiều vị trí bờ các tuyến kênh tiêu: Cổ Đô - Vạn Thắng (huyện Ba Vì), Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ)... bị lún sụt, không bảo đảm cao trình dẫn nước khi vận hành trạm bơm tiêu úng...

Về nguyên nhân khiến nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải cho biết, chủ yếu là do được xây dựng từ nhiều năm trước đây. Đến nay, quy mô, máy móc, thiết bị lạc hậu, hệ số tiêu chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Hơn nữa, hệ thống thủy lợi của Hà Nội thường xuyên chịu tác động của mưa lũ, úng ngập, hạn hán, nhất là những năm gần đây...

Cán bộ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy kiểm tra Trạm bơm tiêu An Mỹ (huyện Mỹ Đức) trước khi đưa vào khai thác, sử dụng trong mùa mưa năm 2022.

Chủ động các giải pháp ứng phó

Để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm úng ngập khu vực ngoại thành, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố cho biết đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa bão năm 2022; báo cáo Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố Hà Nội bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục công trình; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập... Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường thông tin: “Công ty đặt ra 4 tình huống: Mưa dưới 50mm trong 1 ngày; mưa từ 100 đến 200mm trong 3 ngày; mưa từ 200 đến 300mm hoặc lớn hơn trong 3 ngày và tình huống chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy. Ứng với mỗi tình huống là các biện pháp tiêu úng cụ thể cho từng vùng...”.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đang phối hợp với các đơn vị, địa phương chuẩn bị tu sửa những đoạn đê, đoạn kênh nội đồng bị sụt lún, sửa chữa và vận hành thử công trình tiêu úng... “Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, làm tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2022 và các năm tiếp theo, Công ty đề nghị các huyện: Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên... tập trung xử lý các vi phạm pháp luật về thủy lợi. Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn sẵn sàng vật tư, máy móc, nhân lực để triển khai phương án bảo đảm lưu thông dòng chảy tuyến kênh La Khê...”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho biết.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống úng ngập của các doanh nghiệp thủy lợi, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi thành phố sửa chữa các hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp... Các huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị thủy lợi ở cơ sở xây dựng phương án vận hành công trình bảo đảm phục vụ chống úng ngập khu vực ngoại thành; giải tỏa ngay các vi phạm làm cản trở dòng chảy trên các sông, kênh, mương chính...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/1031177/nang-cao-nang-luc-phong-chong-ung-ngap

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: