DIỄN BIẾN HIỆN TƯỢNG ENSO VÀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TỪ THÁNG 10 ĐẾN NỬA ĐẦU THÁNG 11/2019

Đăng ngày: 21-11-2019 | Lượt xem: 992
DIỄN BIẾN HIỆN TƯỢNG ENSO VÀ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TỪ THÁNG 10 ĐẾN NỬA ĐẦU THÁNG 11/2019

1. Khí tượng

1.1. Hiện tượng ENSO

Hiện tại, ENSO đang ở trạng thái trung tính với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 ở mức +0,7oC trong tháng 10 và tăng 0,2oC so với tuần đầu tháng 10/2019.

1.2. Thời tiết nguy hiểm

Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ):

Từ tháng 10 đến nửa đầu tháng 11 có 02 cơn bão (bão số 5 và bão số 6) ảnh hưởng trực tiếp khu vực Nam Trung Bộ. Cụ thể diễn biến hai cơn bão như sau:

Bão số 5 (tên quốc tế Matmo): Từ ngày 28/10 vùng áp thấp hình thành và di chuyển vào Biển Đông mạnh lên thành ATNĐ. Sau đó chiều ngày 29/10 ATNĐ đã mạnh lên thành bão số 5. Vào đêm 30/10, bão đã đổ bộ vào khu vực Bình Định đến Phú Yên. Do ảnh hưởng của bão số 5, ở An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoài Nhơn (Bình Định) gió giật cấp 9; Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió giật mạnh cấp 9.

Bão số 6 (tên quốc tế Nakri): Tối ngày 04/11, vùng áp thấp trên khu vực Giữa Biển Đông đã mạnh lên thành ATNĐ. Đến tối 05/11 ATNĐ đã mạnh lên thành bão số 6 có tên quốc tế là Nakri. Bão số 6 có quỹ đạo phức tạp. Đến sáng sớm ngày 11/11 bão đã đổ bộ vào các tỉnh Phú Yên đến Khánh Hòa. Do ảnh hưởng của bão số 6, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9.

1.3. Mưa lớn diện rộng:

Trêm phạm vi toàn quốc đã xuất hiện những đợt mưa đáng chú ý như sau:

Từ ngày 14-18/10, do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa kết hợp với đới gió Đông trên cao nên các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; từ ngày 19-20/10 mưa thu hẹp về diện và lượng chỉ còn tập trung tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Mưa lớn tập trung nhiều nhất tại Nam Nghệ An, Hà Tĩnh và từ Đà Nẵng đến Phú Yên, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-450 mm, đặc biệt tại Vinh (Nghệ An): 990mm. Đáng lưu ý là tại Vinh vào ngày 16/10 đã xuất hiện lượng mưa ngày đạt 700mm vượt giá trị lịch sử là 597mm ngày 11/10/1989.

Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên từ ngày 24-31/10 do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió Đông và hoạt động của cơn bão số 5 nên đã xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa cả đợt ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên từ 200-350mm. Tại Tây Nguyên cũng do ảnh hưởng của bão số 5 nên ngày 30-31/10 đã xảy ra mưa lớn với một số điểm có mưa trên 100mm/24h.

Từ ngày 10-11/11 do ảnh hưởng của bão số 6 nên các tỉnh Thừa THiên Huế đến Ninh Thuận, Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc Đông Nam Bộ đã xuất hiện mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-200mm, có nơi thuộc Đắc Lắc đạt xấp xỉ 300 mm.

Tổng lượng mưa (TLM) trong tháng 10/2019 tại các tỉnh Bắc Bộ phổ biến thấp hơn từ 15-40%, riêng một số nơi thuộc vùng núi phía bắc cao hơn từ 25-40% so với TBNN; tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn TBNN từ 15-45%, riêng một số nơi thuộc Thanh Hóa và Nghệ An cao hơn TBNN, đặc biệt tại Vinh, TLM đạt 1165 mm cao gấp đôi so với TBNN.

Tổng lượng mưa 10 ngày đầu tháng 11/2019 phổ biến thấp hơn so với TBNN từ 20-50%, tại Bắc Bộ TLM phổ biến chỉ từ 10-25mm. Riêng tại Nam Tây Nguyên và một số nơi thuộc Đông Nam Bộ do ảnh hưởng của bão số 6 TLM 80-150mm, có nơi trên 200mm, cao hơn TBNN (TLM TBNN 30-60mm)

1.4. Nhiệt độ, không khí lạnh:

Không khí lạnh:

Trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 đã xuất hiện 07 đợt không khí lạnh vào các ngày 14/10, 18/10, 24/10, 28/10, 03/11, 07/11, 13/11. Trong đó, đáng lưu ý nhất là đợt không khí lạnh tăng cường ngày 28/10, Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 (12m/s), giật cấp 8 (18m/s), trời chuyển rét về đêm và sáng, riêng ngày 01/11 trời rét cả ngày. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-17oC, riêng một số nơi ở núi cao như: Đồng Văn (Hà Giang), Trùng Khánh (Cao Bằng) nhiệt độ thấp dưới 10oC.

Nhiệt độ trung bình:

Nhiệt độ trung bình tháng 10/2019 tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn từ 1,0-2,0oC so với TBNN cùng thời kỳ.

Trong 10 ngày đầu tháng 11/2019, nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, riêng một số nơi thuộc Tây Bắc Bộ cao hơn TBNN khoảng 1oC.

2. Thủy văn

2.1. Khu vực Bắc Bộ

Từ tháng 10 đến nửa đầu tháng 11, dòng chảy trên các sông suối khu vực phía Bắc, đặc biệt, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng thiếu hụt so với TBNN từ 30-70%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà. Mực nước thấp nhất cùng kỳ trong chuỗi quan trắc xuất hiện liên tiếp ở hạ lưu sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội.

Tình hình hồ chứa:

Hồ chứa thủy điện: Mực nước các hồ chứa thủy điện lớn như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình thấp hơn rất nhiều so với năm 2018, thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 5-16m, thấp nhất tại hồ Sơn La. So sánh với mực nước theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng, mực nước hồ Hòa Bình đang thấp hơn khoảng 4m, hồ Thác Bà thấp hơn khoảng 1,5m.

Hồ chứa thủy lợi: Dung tích trung bình các hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ phổ biến đạt từ 50-100% dung tích thiết kế (DTTK); nhiều hồ thủy lợi khu vực Điện Biên và Sơn La có dung tích thấp hơn các khu vực khác.

2.2. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên:

Từ ngày 30/10-01/11, trên các sông từ Nam Quảng Bình đến Phú Yên và Kon Tum đã xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông phổ biến từ 4,0-6,5m, hạ lưu từ 2,0-5,4m. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Kiến Giang, sông Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi) và thượng lưu sông ĐắkBla (KonTum) ở mức xấp xỉ BĐ3 và trên BĐ3.

Từ ngày 10-11/11, trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông phổ biến từ 2-4,5m. Đỉnh lũ trên các sông ở mức thấp, riêng sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa) ở trên mức BĐ2.

Tình hình hồ chứa 10 ngày đầu tháng 11:

Dung tích các hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đạt từ 53-95% DTTK; các hồ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đạt từ 50-85% DTTK; các hồ ở khu vực Tây Nguyên đạt từ 88-98%.

Mực nước các hồ chứa thủy điện vừa và lớn ở khu vựcTây Nguyên thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ 0,3-3,8m; ở Trung Bộ phổ biến thấp hơn MNDBT từ 9,5-14m, một số hồ thấp hơn nhiều như Bình Điền (thấp hơn) 21m), A Vương (thấp hơn 31m).

Khu vực Nam Bộ:

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào nửa cuối tháng 9, đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,63m trên BĐ1: 0,13m (ngày 17/9) thấp hơn TBNN 0,4m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,16m trên BĐ1: 0,16m (ngày 28/9), thấp hơn TBNN 0,45m, sau xuống nhanh. Ở hạ nguồn sông Cửu Long, sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng của một kỳ triều cường mạnh vào những ngày cuối tháng 9, mực nước tại trạm Mỹ Thuận, Mỹ Tho (sông Tiền), Cần Thơ (sông Hậu), Phú An (sông Sài Gòn) đã vượt mức lịch sử từ 0,02-0,06m.

Trong 10 ngày đầu tháng 11, mực nước sông Mê Công xuống dần, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (tại trạm Kratie-Camphuchia) về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ khoảng 62% và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 35%; mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn TBNN từ 0,9-1,2m.

3. Hải văn

Trong giai đoạn từ đầu tháng 10 đến nửa đầu tháng 11, sóng lớn xuất hiện chủ yếu trong bão số 5 và số 6. Bão số 5 với cường độ cấp 10 khi cập ven bờ biển Bình Định-Phú Yên đã gây những đợt sóng cao 5-6m, phá hủy nhiều tuyến đê, kè, khu nuôi trồng thủy hải sản tại Bình Định và Phú Yên. Nước dâng do bão số 5 ghi nhận tại trạm hải văn Quy Nhơn là 0,4m. Tuy nhiên, do bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều thấp nên không gây ngập, úng vùng ven bờ khu vực bão ảnh hưởng. Bão số 6 gây độ cao sóng kỷ lục tại ngoài khơi Giữa Biển Đông (8-9m); tuy nhiên, cường độ bão khi cập bờ yếu hơn bão số 5 và đổ bộ vào thời kỳ thủy triều thấp nên không gây nhiều thiệt hại vùng ven biển như bão số 5, độ cao sóng trong bão số 6 phổ biến 3-5m. Ngoài ra, tại ven biển Nam Bộ, vào cuối tháng 10 xuất hiện đợt triều cường cao, tuy nhiên thấp hơn so với đợt triều cường kỷ lục vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: