Những bất cập của Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấp độ rủi ro thiên tai về xâm nhập mặn, nước dâng, gió mạnh trên biển, động đất

Đăng ngày: 20-09-2019 | Lượt xem: 967
Những bất cập của Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấp độ rủi ro thiên tai về xâm nhập mặn, nước dâng, gió mạnh trên biển, động đất

Về cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn

Việc phân cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn cho tất cả các khu vực căn cứ vào độ mặn 4 ‰ và khoảng cách xâm nhập mặn tính từ cửa sông là chưa phù hợp. Bởi độ mặn tại các khu vực cửa sông ven biển cũng như khoảng cách xâm nhập mặn mỗi khu vực là khác nhau và gây ảnh hưởng khác nhau đến nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,… Ví dụ như: cuối năm 2015 đến giữa năm 2016 dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng (chưa từng xuất hiện trong lịch sử), độ mặn lớn nhất tại các khu vực lớn hơn bình nhiều năm và vào sâu trung từ 10-25 km. Theo quy định cấp độ rủi ro thiên tai chỉ là cấp độ 1, 2. Trong khi đối với tỉnh Bến Tre, theo quy định nếu xâm nhập mặn 25- 50 km tính từ cửa sông, do đặc điểm của địa hình của tỉnh thì trong trường hợp này mặn đã xâm nhập trên 3/4 diện tích tỉnh, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và sinh hoạt nhưng vẫn quy định là rủi ro thiên tai cấp 1. Còn khu vực Trung Bộ cũng khó có thể có ranh giới độ mặn đi sâu vào 25-50 km. Tại Đồng bằng Bắc Bộ độ mặn từ 1 ‰ đã gây tác hại lớn đến những tỉnh sản xuất nông nghiệp.

Việc xác định vùng cửa sông ven biển bị nhiễm mặn trong thời kỳ dài, khô hạn thiếu nước trong nhiều tháng, nguồn nước ngọt trong sông bị thiếu hụt không quá 40% so với trung bình nhiều năm là chưa có định lượng cụ thể để làm cơ sở cho địa phương xác định cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với tình hình thực tế.

Về cấp độ rủi ro do nước dâng

Cấp độ rủi ro do nước dâng được quy định theo độ cao nước dâng bão. Tuy nhiên, các hệ quả của nước dâng bão là ngập lụt, xâm nhập mặn không chỉ do nước dâng bão mà bao gồm cả thủy triều. Do đó, cấp độ rủi ro do nước dâng bão cần xét tới các phương án với các mức triều khác nhau.

Việc phân cấp rủi ro thiên tai do nước dâng cần xét đến tổ hợp nước triều cường, mưa lớn và mực nước lũ thượng lưu các cửa sông.

Về cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển:việc phân cấp cấp độ rủi ro do gió mạnh trên biển từ cấp độ 1 là chưa phù hợp, bởi theo Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ: Cấp trực tiếp phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 1 là cấp xã và cấp huyện, nhưng thực tế cấp xã và cấp huyện không có phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Do đó, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo ứng phó tại các địa phương.

Về cấp độ rủi ro thiên tai do động đất:các bản tin thông báo động đất đều đưa ra cường độ chấn động theo thang đo độ Richter, tuy nhiên theo Quyết định, việc phân cấp lại căn cứ theo cấp cường độ chấn động, do đó, gây khó khăn cho người sử dụng trong chỉ đạo ứng phó.

Như vậy có thể thấy, việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 44 về cấp cấp độ rủi ro thiên tai là vô cùng cấp thiết.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: