Thách thức lớn của ngành khí tượng thủy văn do biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 14-03-2019 | Lượt xem: 1560
Tại hội nghị các đối tác phát triển ngành khí tượng thủy văn tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong những năm qua, ngành khí tượng thủy văn đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Cơ sở vật chất, công nghệ quan trắc giám sát khí hậu biến đổi khí hậu từng bước được nâng cao, hiện đại hóa; chất lượng cảnh báo, dự báo từng bước được cải thiện, các bản tin cảnh báo dự báo kịp thời phục vụ người dân và công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; dự báo cũng đã từng bước hướng tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro nâng cao hiệu quả cho công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; công tác truyền tin cũng có những chuyển biến đáng kể, các bản tin thiên tai được truyền đi với nhiều hình thức sử dụng các công cụ từ truyền thống tới hiện đại, dễ dàng tiếp cận…

Bên cạnh những mặt thuận lợi đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, hiện nay ngành khí tượng thủy văn đang và sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất chính là biến đổi khí hậu. Dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng lớn, tần suất ngày càng cao, khó dự báo hơn trước và gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam xảy ra hàng loạt loại hình thiên tai từ bão đến dông lốc, sét, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở, nắng nóng… gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Đặc biệt, các hiện tượng rất hiếm gặp như bão và áp thấp nhiệt đới cùng xuất hiện cùng thời điểm, mưa rét, hạn hán kéo dài hay các thuật ngữ hiếm gặp lũ kép, đa thiên tai đang ngày càng trở nên quen thuộc. Các quy luật khí hậu đang ngày càng bị phá vỡ gây khó khăn cho công tác cảnh báo, dự báo của ngành khí tượng thủy văn. Do đó đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn phải nâng cao vai trò của ngành trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Trong đó, việc cung cấp các sản phẩm khí tượng thủy văn tới các đối tượng sử dụng trong các ngành các lĩnh vực kinh tế xã hội là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, các sản phẩm khí tượng thủy văn cần phải đa dạng hơn, thu hút hơn, đi đúng và đi trúng nhu cầu của xã hội.

Các sản phẩm không chỉ sử dụng được mà còn phải sử dụng hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các đối tượng sử dụng cần được mở rộng, không chỉ các đối tác truyền thống, các đơn vị nhà nước mà cần phải mở rộng cho các đối tác tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác là các công ty nước ngoài.

Hơn thế nữa, ngành khí tượng thủy văn cần phải có một kế hoạch tổng thể, xác định được lộ trình rõ ràng trong giai đoạn tới phát triển thế nào, cần những nguồn lực nào, ai có thể tham gia hỗ trợ được và cơ chế thế nào để từ đó các nhà đầu tư, các đối tác phát triển và cả những người sử dụng sản phẩm khí tượng thủy văn sẽ có cái nhìn rõ ràng từ đó có kế hoạch hỗ trợ, song hành phát triển cùng ngành.

Các đối tác phát triển và các nhà đầu tư, cán bộ khí tượng thủy văn cần phải đánh giá được hiện trạng của ngành, xác định được những gì đang có và những vấn đề còn thiếu hụt, từ đó xây dựng được một chiến lược phát triển cụ thể, có chiều sâu trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2030 tầm nhìn tới năm 2050, cần phải xác định được nhu cầu đầu tư cụ thể theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2030 và xa hơn nữa nhằm phát triển ngành khí tượng thủy văn phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước. Đồng thời, cần xác định rõ vai trò của các đối tác phát triển trong các mục tiêu, chiến lược phát triển của ngành để tối ưu nguồn lực, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: