Vai trò của ngành KTTV đối với biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 21-02-2019 | Lượt xem: 1674
Dưới góc độ là một nguồn tài nguyên, khí hậu có thể ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên khác, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, … Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nếu con người biết cách bảo vệ, giữ gìn và khai thác một cách hợp lý thì hệ thống khí hậu là tài sản, tài nguyên quý giá sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các thông điệp quốc tế gần đây cảnh báo hoạt động thiếu bền vững của con người đang khiến các nguồn tài nguyên quý giá cạn kiệt, biến đổi phức tạp thậm chí chống lại con người. Không hành động kịp thời thì hậu quả khôn lường: ước tính, biến đổi khí hậu sẽ làm thế giới thiệt hại hàng trăm tỷ đô la mỗi năm, mực nước biển dâng sẽ làm cho hàng trăm triệu người trên trái đất bị mất nhà cửa vĩnh viễn, 1/6 dân số thế giới có thể bị thiếu nước, nghiêm trọng hơn nhiều loài có khả năng sẽ bị tuyệt chủng. Đó chính là những thách thức mới cho ngành khí tượng thủy văn.

Thực tế, khí hậu toàn cầu đã và đang biến đổi mạnh mẽ, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng trên toàn thế giới; đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và làm thiệt hại giá trị kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đô la. Tại Việt Nam đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan: đợt rét kéo dài lịch sử 38 ngày, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động bất thường không theo quy luật, mùa mưa ít mưa, hạn hán nghiêm trọng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng rất cao,… gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Các quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến ngành khí tượng thủy văn ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo, cảnh báo. Sự phát triển của xã hội ngày nay, việc dự báo thời tiết đón đầu những vận động của thiên nhiên phục vụ cho đời sống cộng đồng khiến công tác khí tượng thủy văn ngày càng đóng vai trò quan trọng.

 Bài toán đặt ra giảm nhẹ rủi ro thiên tai là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Ở tầm vĩ mô, các nước cần tích cực hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn. Trong nước, ngành khí tượng thủy văn tiếp tục hiện đại hóa công nghệ dự báo, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đội ngũ cán bộ khí tượng thủy văn cần có nhận thức mới về những thách thức này, đồng thời tiếp tục nâng cao trình độ quản lý Nhà nước, trình độ chuyên môn để đáp ứng với tình hình mới. Càng ngày, nhu cầu về các dịch vụ thời tiết, khí hậu càng mở rộng cùng với những tiến bộ khoa học, công nghệ; kết quả quan trắc, công tác giám sát khí quyển và đại dương ngày càng được cải thiện. Việc phổ biến thông tin dự báo thời tiết trên toàn thế giới, đặc biệt là các bản tin dự báo và cảnh báo sớm thời tiết đã giúp cộng đồng phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức Kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chủ trì tổ chức Hội thảo. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ và các Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức  thông tin về Thông điệp của Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, viết bài tuyên truyền trên báo, đài nhằm kêu gọi người dân chung tay góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, làm tăng tần suất và cường độ các thảm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu.

 Dịch vụ khí hậu với chất lượng được cải thiện đang dần trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất nhằm giải quyết và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa hiểu biết về khí hậu, sử dụng hiệu quả hơn các thông tin về khí hậu để đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu xã hội, đối đầu được những thách thức về đảm bảo an ninh lương thực và quản lý tài nguyên nước, năng lượng…góp phần tạo niềm tin về sự tồn tại và phát triển của hành tinh chúng ta.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: