Bão và áp thấp nhiệt đới

Đăng ngày: 16-07-2023 | Lượt xem: 8990
Bão và ATNĐ được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ): là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm kilômét, hình thành trên vùng biển nhiệt đới.

Ở bắc bán cầu, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Áp suất khí quyển trong bão thấp hơn rất nhiều so với xung quanh và thường thấp hơn 1000mb.

Cấu trúc của bão

Trong không gian ba chiều, bão là một cột xoáy khổng lồ, ở tầng thấp (khoảng 0−3 km) không khí nóng ẩm chuyển động xoắn trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu) hội tụ vào tâm, chuyển động thẳng đứng lên trên trong thành mắt bão và tỏa ra ngoài ở trên đỉnh theo chiều ngược lại. Ở chính giữa trung tâm của cơn bão không khí chuyển động giáng xuống, tạo nên vùng quang mây ở mắt bão.

Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão.

Giá trị khí áp nhỏ nhất tại tâm bão và tăng dần ra phía rìa bão. Càng vào gần tâm, cường độ gió bão càng mạnh, khu vực tốc độ gió mạnh nhất cách tâm bão khoảng vài chục km. Vào vùng mắt bão gió đột ngột yếu hẳn, tốc độ gió gần bằng không. Khi qua khỏi vùng mắt bão gió lại đột ngột mạnh lên nhưng có hướng ngược lại, đây chính là tính chất ảnh hưởng nguy hiểm nhất của bão.

Áp thấp nhiệt đới gây hậu quả nặng nề

Mặc dù áp thấp nhiệt đới có thể được dự đoán trước khi chúng di chuyển vào bờ, nhưng chúng vẫn gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho cả người và tài sản của con người

Thiệt hại về người: Áp thấp nhiệt đới gây gió giật mạnh kèm mưa lớn, lốc xoáy có thể gây lũ lụt, đe dọa tính mạng con người. Nhất là đối với người sống trên biển, gần biển, đánh bắt xa bờ… Nhiều loại mầm bệnh theo nước lũ ra môi trường có thể ảnh hưởng sức khỏe con người.

Thiệt hại về tài sản: Mưa dông xảy ra khi áp thấp nhiệt đới di chuyển vào gần bờ có thể làm hư hỏng đồ dùng điện tử, nhà cửa, tàu thuyền, gia súc gia cầm...

Ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp: Nước biển dâng làm ngập lụt ven biển, nhiễm mặn đồng ruộng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp hoặc nuôi thủy sản.

Ô nhiễm môi trường: Nước lũ dâng kèm rác thải, xác động vật tràn ra môi trường có thể lây lan bệnh truyền nhiễm từ môi trường.

Nước mưa dâng cao do ảnh hưởng của bão có thể gây thiếu nước sạch sinh hoạt và lương thực

Nên làm gì khi có áp thấp nhiệt đới xuất hiện?

Khi áp thấp nhiệt đới đến gần, một cảnh báo sẽ được ban hành cho khu vực. Bạn hãy làm theo các hướng dẫn sau để giữ an toàn:

Trước khi cơn bão đến, hãy buộc các đồ vật lỏng lẻo, chẳng hạn như bàn ghế ngoài trời.

Hãy có biện pháp phòng tránh cây to bị đổ và khả năng mất điện

Hãy chuẩn bị phương án di chuyển khi mưa to gây lũ lụt cục bộ

 Đừng đi bộ hoặc lái xe qua những con đường ngập nước

 Tránh bơi lội ở các bãi biển, vì gió của áp thấp nhiệt đới có thể gây nguy hiểm

Có mấy cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão?

Theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có 3 cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão (cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5).

Theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg, rủi ro thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai.

Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai, cụ thể:

- Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp;

- Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình;

- Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn;

- Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn;

- Cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.

Cấp độ rủi ro của hai hay nhiều thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp, có thể điều chỉnh tăng lên 1 cấp dựa trên tác động của thiên tai; trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cấp độ rủi ro có thể được xem xét tăng lên hai cấp, cao nhất là cấp 5.

Các cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão gồm:

1. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

- Dự báo áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ;

- Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;

- Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

2. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:

- Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

- Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;

- Dự báo bão rất mạnh từ cấp 14, cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ;

- Dự báo bão từ cấp 14 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

3. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau:

- Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

- Dự báo bão rất mạnh cấp 14, cấp 15 hoạt động trên đất liền các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ;

- Dự báo siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: