Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, công tác dự báo khí hậu hải văn ven biển ngày càng đặt ra yêu cầu cao nhất là trong thời đại công nghệ số. Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong ngành hải văn: Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG) và Ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Trung tâm Hải văn. Cả 2 chuyên gia đã chia sẻ về hiện trạng cũng như những giải pháp về công tác dự báo hải văn.

Ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Trung tâm Hải văn

Theo Ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Trung tâm Hải văn: "Hiện nay với mạng lưới hải văn khoảng hơn 21 trạm về cơ bản phần nào đã đáp ứng được công tác quan trắc dữ liệu, phục vụ công tác dự báo. Tuy nhiên, để công tác dự báo ngày càng tốt hơn, thực tế cho thấy mạng lưới hải văn còn khá thưa cần đầu tư một cách đồng bộ và lấp đầy như đúng với quy hoạch mạng lưới trạm đã được phê duyệt và cập nhật trong thời gian tới.

Ngoài một số trạm đã được quan trắc bằng thiết bị hiện đại thì phần lớn các trạm hải văn hiện nay vẫn sử dụng các công nghệ cũ, sử dụng con người là nhiều và chưa có thiết bị tự động và truyền tin một cách liên tục hoặc các thiết bị quan trắc không tiếp xúc ví dụ như rađa, vệ tinh. Do vậy, trong thời gian tới cần thiết phải được trang bị tổng thể toàn diện theo đúng tinh thần quy hoạch của hải văn, cũng như đầu tư nhiều hơn các thiết bị quan trắc hiện đại không tiếp xúc ví dụ như: ra đa, quan trắc sóng, quan trắc dòng chảy đáp ứng được tốt hơn nhu cầu dự báo

Để công tác dự báo trong thời gian tới về dự báo hải văn tốt hơn, ngoài việc đầu tư trang thiết bị một cách đồng bộ cần phải có những chính sách khác để phục vụ cho quan trắc hải văn. Như trên thế giới người ta yêu cầu các tàu đi trên biển cũng phải quan trắc cả thông số hải văn đưa vào trong dữ liệu dùng chung để phục vụ cho làm dày dữ liệu. Xã hội hóa công tác quan trắc, đây là một cách giúp ta có được dữ liệu bở vì thực tế nước biển cần rất nhiều dữ liệu khác nhau, kể cả công tác dự báo hải văn cũng yêu cầu rất nhiều dữ liệu nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhiều. Bên cạnh việc cần quan trắc và dữ liệu, cần nâng cao nhiều hơn đến công nghệ, các mô hình trong dự báo hải văn như công nghệ hiện nay vẫn đang dùng là mô hình số trị thì cần phải có những cách thức để làm chủ tiến tới đồng hóa dữ liệu từ các dữ liệu quan trắc đã có sẵn vào trong mô hình dự báo sóng, dự báo dòng chảy, dự báo nước dâng do bão. Bên cạnh đó, những công nghệ mới như AI trí tuệ nhân tạo sử dụng dự liệu lớn, học máy cũng cần thiết được nghiên cứu. Những điều này giúp chúng ta dự báo tốt hơn.

Về mặt con người, hiện nay nhân lực tham gia vào lĩnh vực khí tượng thủy văn nói chung và hải văn nói riêng càng hạn chế. Phần lớn do sinh viên chưa có nhiều thông tin liên quan đến ngành nghề và hơn nữa là chế độ đãi ngộ cũng chưa được tốt. Do vậy càng ít có sinh viên tham gia dẫn tới lực lượng kế cận phục vụ công tác dự báo hải văn ngày càng ít đi. Cần phải có những chính sách hoặc truyền thông quảng bá về ngành nghề giúp cho sinh viên đầu vào nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các tổ chức đào tạo, các cơ quan nghiên cứu hàng đầu về hải dương học trên toàn thế giới để có được những cơ hội để phát triển năng lực chuyên môn của các cán bộ hải dương học, cũng như đào tạo sâu, đào tạo sau đại học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ công tác dự báo hải văn".

Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVQG

Theo Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVQG: "So với cách đây 5 năm, năng lực dự báo ở ba khía cạnh: thời hạn dự báo dài hơn, độ tin cậy và năng lực dự báo. Với công nghệ hiện đại được tăng cường, chúng ta biết được đối tượng, thông tin dự báo đa dạng hơn phục vụ cho nhiều ngành nghề như: tìm kiếm cứu nạn, giao thông, đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí. Số liệu quan trắc cũng rất quan trọng nhờ đó ta có thể biết được số liệu quan trắc tại địa điểm đó đo được bao nhiêu để điều chỉnh được chính xác thông tin dự báo. 

Khi khí hậu tăng lên dẫn đến hệ quả là băng và mực nước biển sẽ dâng cao, hệ lụy là một số các vùng trũng quanh đảo và ven bờ sẽ có nguy cơ ngập lụt cao hơn. Thời tiết, nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ xuất hiện các cơn bão cường độ mạnh hơn như dông, lốc, gió mạnh hoặc các hiện tượng hải văn bất thường sẽ có diễn biến phức tạp hơn. Để ứng phó với thời tiết biển hải văn bất thường , Tổng cục KTTV đã triển khai giao cho các đơn vị một số nhiệm vụ: thường xuyên theo dõi, phát hiện một số hiện tượng thời tiết hải văn bất thường gây ra cảnh báo về thiệt hại. Phối hợp, chia sẻ các thông tin dự báo, cảnh báo các đơn vị liên quan, nhất là các đơn vị đang thực hiện tìm kiếm cứu hộ cứu nạn ngoài hiện trường. Tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học để xác định nguyên nhân, cơ chế, phân vùng những khu vực có hiện tượng thời tiết bất thường cũng như hải văn bất thường

Về mặt hạn chế trong công tác hải văn có những đề xuất: chúng ta rất cần đầu tư dần các hệ thống quan trắc trên biển để cập nhật số liệu và đánh giá, hiệu chỉnh mô hình nâng cao độ tin cậy, tăng cường nâng lực tính toán, ta sẽ có thời gian dự báo dài hơn, thông tin truyền tải đến đối tượng sử dụng sẽ đa dạng hơn, hiệu quả hơn trong phòng chống thiên tai".

Tạp chí KTTV