BĐKH dẫn đến lao động lệ thuộc tại Bangladesh

Đăng ngày: 11-09-2018 | Lượt xem: 1074
(TN&MT) - Người nông dân chuyển từ trồng lúa sang xoài khi nước cạn kiệt và nhiệt độ tăng lên, buộc lực lượng lao động nông trại dồi dào hiện nay phải vay mượn để sống và rơi vào cảnh...

Phụ nữ tại các cộng đồng bản địa có xu hướng trồng một vườn xoài non bên cạnh cánh đồng lúa ở phía Tây Bắc Bangladesh. Ảnh: Kamran Reza Chowdhury

Phụ nữ tại các cộng đồng bản địa có xu hướng trồng một vườn xoài non bên cạnh cánh đồng lúa ở phía Tây Bắc Bangladesh. Ảnh: Kamran Reza Chowdhury

Là một trong những nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), Bangladesh hiện đang chứng kiến ​​một cơ hội kinh tế bất thường cho những nông dân lớn ở khu vực phía Tây Bắc khô hạn. Tuy nhiên, cơ hội này đi kèm với một sự vướng mắc, bởi vì nó có thể tiếp tục gây thiệt thòi cho khoảng 50.000 người dân bản địa nghèo.

Hạn hán thường xuyên hơn và nhiệt độ cao hơn do BĐKH đã khiến các chủ đất ở huyện Naogaon, phía Tây Bắc Bangladesh từ bỏ canh tác lúa và chuyển sang trồng xoài có lợi nhuận cao vì trồng xoài cần ít nước hơn trồng lúa.

Điều đó đồng nghĩa với việc ít công việc hơn cho lao động nông nghiệp không có đất, chủ yếu là từ Santhal, Munda, Oraon bản địa và các nhóm dân tộc thiểu số khác, đặc biệt là ở ba tiểu huyện Naogaon - Porsha, Sapahar và Patnitala.

Mamunur Rashid, chuyên gia về BĐKH làm việc tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nói với thethirdpole.net rằng do BĐKH nên “ít mưa và thiếu nước là hai vấn đề lớn đã xảy ra ở đó, kéo theo những thay đổi cho mô hình trồng trọt của khu vực từng được đánh giá là một trong những khu vực trồng lúa giàu có ở Bangladesh”.

"Khi lượng mưa giảm, nông dân chuyển sang canh tác xoài vì cần nhiệt độ cao và ít nước hơn lúa", ông nói thêm.

Rashid cho biết, là những người lao động hoàn toàn phụ thuộc vào công việc tại các cánh đồng lúa, người dân bản địa đang gặp rắc rối. “Trồng lúa là thâm dụng lao động trong khi trồng xoài thì không. Vì vậy, canh tác xoài đã thu hẹp cơ hội sinh kế của họ” - Rashid  nhấn mạnh.

Theo bộ phận khuyến nông, xoài được trồng trên 9.146 ha tại 11 tiểu huyện của huyện Naogaon trong năm tài chính 2013-2014. Diện tích này đã tăng lên 18.527 ha trong năm 2016-2017. Phần lớn trong số này thuộc ba tiểu huyện Porsha, Sapahar và Patnitala.

Azizur Rahman, Phó Giám đốc phụ trách khuyến nông tại huyện Naogaon nói với thethirdpole.net: “Chính phủ khuyến khích canh tác xoài ở các vùng đất Barind cao như Porsha, Sapahar và Patnitala vì mực nước ngầm cạn kiệt ở mức báo động. Barind là tên địa phương cho các vùng đất tương đối khô cằn”.

Bhuttu Pahan, giáo viên của một trường học địa phương và là Chủ tịch của liên hiệp Sapahar của Jatiya Adivasi Parishad (Hội đồng bản địa quốc gia) nói với thethirdpole.net rằng khoảng 11.000 người từ 5 nhóm bản địa - Santhal, Munda, Oraon, Barman và Turi - sống ở tiểu huyện Sapahar. Hơn 50.000 người sống trong ba tiểu huyện cùng một nhóm.

“Hầu như tất cả những người dân bản địa phụ thuộc vào công việc trong các cánh đồng lúa của các địa chủ. Trồng xoài đang thu hẹp cơ hội sinh kế của người dân bản địa” - Bhuttu Pahan nói.

“Srikanta Tirkey, một lãnh đạo của Adivasi Chhatra Parishad (Hội đồng sinh viên bản địa) nói với thethirdpole.net rằng chỉ 3 năm trước đây, người dân bản địa có thể làm việc cả tháng vào thời điểm bắt đầu mùa trồng lúa. Thế nhưng bây giờ, ở nhiều nơi ở Sapahar, 50% ruộng lúa đã được chuyển thành vườn xoài”, ông Bhuttu Pahan cho biết thêm.

Hai phần ba số trang trại ở làng Kuchkurulia thuộc liên hiệp Goala ở Sapahar hiện đang trồng xoài. “Trong liên hiệp Goala, chúng tôi từng làm việc trong cánh đồng lúa và lúa mì trong hơn một tháng. Nhưng bây giờ, chúng ta có thể làm việc trong khu vực đồng lúa còn lại nhiều nhất từ ​​10-12 ngày” - Gangia Bala, một thành viên của cộng đồng Oraon và cư dân của Kuchkurulia chia sẻ.

Mohammed Mokbul Hossain, nông dân 46 tuổi sống ở Kuchkurulia cho hay ông hiện đang trồng xoài ở 10 trong số 20 bigha ông sở hữu. Một bigha xấp xỉ 0,4 mẫu Anh (tương đương 1.600 m2).

“5 năm trước, tôi đã trồng lúa trên toàn bộ vùng đất này. Khi các địa chủ lớn kiếm được nhiều tiền từ việc trồng xoài, tôi quyết định làm theo”, người nông dân trên cho biết.

Theo Hossain, nguồn nước sẵn có đã bị “tấn công” ở Sapahar. “Hạn hán, nhiệt độ cao và lợi nhuận cao đã khuyến khích tôi chuyển sang canh tác xoài. Nhiệt độ cao giúp việc đầu tư vào xoài tốt hơn” – Hossain chia sẻ.

Ông Hossain vui mừng cho biết: “Trồng lúa trong 2 mùa vụ trên một bigha đất có thể đem lại cho tôi thu nhập ở mức 35.000 BDT (tương đương 416 USD) mỗi năm. Nhưng ở đây, trong năm đầu tiên, tôi kiếm được 50.000 BDT bằng cách bán xoài trồng trên cùng diện tích đó. Lợi nhuận sẽ tăng lên 100.000 BDT trong năm tới và lợi nhuận cũng sẽ tăng trong những năm tới”.

Ông Robi Tigga, người bản địa 65 tuổi, từng làm nghề nông trong suốt cuộc đời cho rằng để trồng lúa, mỗi bigha cần 10-12 công nhân trong khi một vườn xoài có cùng diện tích cần nhiều nhất là 3 lao động.

Lao động lệ thuộc

Bhuttu Pahan thuộc Hội đồng bản địa quốc gia cho rằng trong hai hoặc ba năm qua, những người bản xứ không có đất phải đến nhà địa chủ và bán sức lao động của họ trước để đổi lấy gạo hoặc tiền khi họ không có việc làm. BĐKH đã biến họ thành lao động lệ thuộc.

“Trong nhiều trường hợp, cùng một người bán sức lao động của mình trước cho hơn hai chủ nhà, cả hai đều cần rất ít công nhân. BĐKH đã khiến cộng đồng của chúng tôi thất nghiệp. Nhiều người dân bản địa đã bắt đầu chuyển đến những nơi khác để sống” – Bhuttu Pahan cho biết.

Xu hướng di cư phát triển hơn ở tiểu huyện tiếp theo, Patnitala, nơi người bản địa Santhal đang chuyển đến các huyện khác để tìm việc làm lao động nông nghiệp.

Rafael Hembrom, người Santhal sống ở làng Chanpukur thuộc Liên minh Dibor ở Patnitala nói với thethirdpole.net rằng việc trồng xoài đã buộc những người đàn ông bản xứ tại ngôi làng của ông phải rời bỏ quê hương đến các huyện xa xôi như Faridpur và Chittagong để làm nghề nông. Họ đến đó trong thời gian dài nhất là 30 ngày và sau đó trở về.

Estelena Mardi, bà mẹ 2 con sống ở Santhal cho biết chồng của chị - anh Montu Mormu đã đi đến huyện Joypurhat để làm lao động nông nghiệp. Theo chị, người chồng sẽ thu hoạch lúa cho các địa chủ và được trả công bằng một phần sản lượng cuối cùng.

Trở lại Kuchkurulia, Nijoy Tigga - người Oraon - lo lắng liệu rằng 25 gia đình trong khu vực gần nhà ông có thể tiếp tục sống ở nơi họ đang sống hay không. “Chúng tôi đã sống trên mảnh đất này do chủ nhà của chúng tôi sở hữu từ những năm 1960. Khi cánh đồng lúa của những chủ nhà co hẹp lại, tôi không biết những người chủ này có cho phép chúng tôi sống trên mảnh đất này hay không” - Nijoy Tigga cho biết.

Vấn đề văn hóa

Sự chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác xoài đã làm thay đổi cảnh quan theo nhiều cách. Những bãi trồng cây nhỏ làm chất đốt trên các rìa cánh đồng lúa đã được xóa bỏ ở Porsha, Sapahar và Patnitala. Người Oraon từng phụ thuộc vào gỗ từ những bãi trồng cây này để phục vụ cho Karam Puja (một hình thức thờ tự nhiên), được tổ chức ít nhất hai lần một năm.

"Trong ba năm qua, chúng tôi không thể làm Karam Puja do các chủ nhà dọn rừng và chặt cây Karam để trồng xoài. Chúng tôi không chắc chắn liệu chúng tôi có thể làm puja nữa không” - cư dân Basini Bala chia sẻ với thethirdpole.net.

Mực nước giảm

Đây là một khu vực rất hiếm ao, hồ và người dân phụ thuộc vào nước ngầm nhưng mực nước đang giảm. Các giếng truyền thống bị khô, ống dẫn nước nông nên không thể rút nước lên.

“Ngay cả trong mùa mưa, tôi thường bơm loại bơm dùng cho giếng khoan 100 lần mới đầy bình nước 15 lít. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, tôi phải bơm gấp đôi số lần mới làm đầy bình nước trên” - một cư dân khác, Jiti Bala nói với thethirdpole.net.

“Tôi bơm liên tục đến mức có bướu ở tay. Bây giờ chúng tôi không lấy nước từ bơm đó nữa. Hầu như tất cả các bơm này ở làng Kuchkurulia hiện không rút được nước lên” - Jiti Bala nói thêm.

Luis Soren, một cư dân của làng Chanpukur ở Patnitala cho biết: “Từ năm 1984-1993, chúng tôi thường lấy nước từ dưới lòng đất sâu từ 22-60 feet. Từ năm 1998, mực nước bắt đầu giảm. Bây giờ, chúng tôi không tìm thấy nước ngay cả khi ống đã được đào sâu đến 290 feet. 40 bơm dùng cho giếng khoan trong làng hiện đã không hoạt động”.

Ngày nay, người dân mua nước từ ống sâu thuộc dự án Varendra của chính phủ Bangladesh. Ở Kuchkurulia, 25 gia đình phụ thuộc vào một vòi nước được kết nối với đường ống của dự án. “Dự án Varendra cấp nước 3 lần mỗi ngày. Họ tính phí BDT 10 mỗi tháng cho mỗi thành viên trong gia đình” - Basini Bala cho biết.

“Hạn hán đã cắt giảm sinh kế của chúng tôi. Chúng tôi đã mua nước trong 10 năm qua. Nhiệt độ tăng lên hàng năm. Không có mưa vào mùa mưa. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai” - Basini Bala ngao ngán cho biết.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: