Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ở Tây Nguyên

Đăng ngày: 08-06-2018 | Lượt xem: 1313
(TN&MT) - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vài năm trở lại đây trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông, lốc xoáy, sét đánh…,...

.TN1

Mưa, gió lớn làm gãy đổ cây xanh tại tỉnh Gia Lai

Tại các tỉnh Tây Nguyên, mùa mưa năm 2018 đã bắt đầu từ giữa tháng 4 (đối với các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng) và từ đầu tháng 5 (đối với tỉnh Gia Lai và Kon Tum). Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm 2018 đến sớm với lượng mưa nhiều hơn, cường độ mưa lớn hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Ngay từ đầu mùa mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã liên tục xuất hiện và gây ra ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản, hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cụ thể, ngày 22/5, trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã xảy ra một trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy. Tuy không có thiệt hại về người nhưng đã có 249 căn nhà bị tốc mái; lốc xoáy làm ngã đổ hoàn toàn 500 m2 nhà kính trồng cây hồ tiêu giống nuôi cấy mô, 2.000 m2 nhà lưới ươm cây giống cà phê phục vụ trồng tái canh của huyện và hư hỏng khoảng 10.000 cây giống các loại...

Lốc xoáy cũng làm hư hại một số công trình trụ sở cơ quan, ngã đổ nhiều cây xanh và hệ thống lưới điện trên địa bàn. Ước tính tổng thiệt hại lên đến 3,8 tỉ đồng. Ngày 27/5, trong cơn giông lớn, sét đã đánh chết 2 ông cháu Nay Yuen (60 tuổi) và Nay Tân (12 tuổi) khi đang đi chăn bò gần khu nghĩa địa làng Ơi Briu 2 (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai).

TN2

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, thời gian tới trên địa bàn Tây Nguyên sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, người dân cần chủ động phòng tránh

Tại tỉnh Kon Tum, mùa mưa bão năm 2018 đã làm 4 người chết do sạt lở đất, nước lũ cuốn trôi; tốc mái, hư hỏng hàng trăm ngôi nhà; làm bồi lấp, ngập úng, hư hại hơn 200 ha hoa màu, cây trồng các loại; 170 con gia súc bị chết vì nước lũ cuốn trôi; trên 60 công trình thủy lợi, công trình nước tự chảy và nhiều tuyến giao thông, hạng mục công trình cầu, cống bị xói lở và hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại trên 170 tỉ đồng.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng làm ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản hoa màu của người dân ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Theo ông Phạm Vũ Tuấn – Trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa với các biểu hiện chung là ngày nắng, nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và giông. Qua ảnh vệ tinh có thể thấy trong khu vực xuất hiện nhiều luồng mây đối lưu mang điện tích lớn hoạt động mạnh, dễ gây ra hiện tượng sét đánh hoặc mưa đá.

TN3

Các địa phương cần cắt tỉa cây xanh đường phố tránh ngã đổ khi mưa bão

“Nguyên nhân khiến những năm trở lại đây thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông, lốc xoáy, sét đánh đều do tác động của biến đổi khí hậu. các hiện tượng thời tiết này đều nguy hiểm đến tính mạng và gây thiệt hại lớn đến tài sản hoa màu của người dân. Nó thường xuất hiện vào thời gian giao mùa, tức là đầu và cuối mùa mưa. Do đó, các địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để có phương án chủ động phòng tránh những diễn biến bất thường của thời tiết”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng cảnh báo người dân: “Sau những đám mây đen rộng, che khuất tầm mắt thương sẽ có mưa giông lớn kèm sét đánh. Người dân nên bỏ các vật bằng kim loại như: cuốc, xẻng tại đồng và nhanh chóng tìm nơi tránh trú an toàn (nhà rẫy, kho…). Không nên tụ tập đông người đứng trú dưới bóng các cây to hay các cây mọc trơ trụi trên đồng vắng vì sét rất dễ đánh vào những cây này”. 

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: