COP 24: Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác giữa các khu vực về thực hiện NDC

Đăng ngày: 13-12-2018 | Lượt xem: 1060
(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị COP 24 đang diễn ra tại Ba Lan, Việt Nam phối hợp với Đối tác toàn cầu về chiến lược phát triển các bon thấp, Đối tác Đóng góp do quốc gia tự quyết định...
DSCF8589

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc hội nghị

Mục đích của Hội nghị bên lề nhằm giới thiệu các hoạt động do Đối tác Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC-P) hỗ trợ và các kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam đề cập trong NDC; Giới thiệu về các hỗ trợ của Đối tác toàn cầu về chiến lược phát triển các bon thấp (LEDS GP) cho các cộng đồng trong cùng khu vực để thúc đẩy việc triển khai NDC của các quốc gia trong khu vực Châu Á, Châu Mỹ Latin, Châu Phi; Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thực hiện và tìm kiếm các hoạt động hợp tác về triển khai NDC giữa các quốc gia đang phát triển.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị bên lề, TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ LEDS GP. Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. NDC của Việt Nam tập trung vào 4 lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng, lâm nghiệp và xử lý chất thải. Ngoài ra, Việt Nam xác định 03 lĩnh vực: nông nghiệp, quản lý rủi ro thiên tai và xử lý rác thải là 03 lĩnh vực cần được tập trung trong việc triển khai chiến lược phát triển phát thải thấp.Tại hội nghị bên lề, TS. Tăng Thế Cường đề nghị các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm thực hiện NDC và tìm kiếm các hoạt động hợp tác về triển khai NDC giữa các quốc gia đang phát triển.

DSCF8599

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ về Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Đại diện Đối tác toàn cầu về chiến lược phát triển các bon thấp (LEDS GP) cho biết, LEDS GP thành lập vào năm 2011, là cơ chế hỗ trợ thực hiện NDC và chiến lược phát thải các bon thấp giữa các quốc gia trong cùng khu vực. Hiện nay LEDS GP có 4 nhóm tại 4 khu vực Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latin và Đông Âu.

Việt Nam là một trong 14 quốc gia khu vực châu Á tham gia vào Đối tác toàn cầu về chiến lược phát triển các bon thấp (LEDS GP). Các lĩnh vực được hỗ trợ gồm: năng lượng, tài chính, giao thông và chính sách.

Tại hội nghị, LEDS GP đã chia sẻ kinh nghiệm và kết nối với các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật và về các hoạt động hỗ trợ hiện đang được triển khai bao gồm: hội thảo chia sẻ kinh nghiệm; Cơ sở dữ liệu về kinh nghiệm thực hiện NDC; tư vấn chuyên gia hỗ trợ việc xây dựng và triển khai NDC, LEDS.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc hỗ trợ triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), đại diện Đối tác Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC-P) cho biết, NDC-P tích hợp các mục tiêu đặt ra trong NDC với các kế hoạch phát triển của quốc gia để đảm bảo tính khả thi của NDC. Ngoài ra NDC-P giúp tăng cường sự tham gia từ phía các tổ chức, doanh nghiệp phi chính phủ (giúp các tổ chức biết chính xác các nội dung, hoạt động có thể tham gia) và làm cầu nối liên kết giữa các quốc gia và các đối tác.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ về Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam đang trong giai đoạn rà soát và cập nhật NDC của Việt Nam, dự kiến ban hành vào năm 2019.Diễn đàn thực hiện NDC đang được xây dựng nhằm chia sẻ kinh nghiệm về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, các đối thoại về chính sách, kỹ thuật về việc rà soát các mục tiêu NDC, các hoạt động ưu tiên triển khai trong NDC và tăng cường hợp tác giữa các bên có liên quan với đối tác phát triển.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: