ĐBSCL: Thách thức trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Đăng ngày: 21-05-2019 | Lượt xem: 2699
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi có hệ sinh thái rừng đa dạng thuộc diện bậc nhất so với cả nước. Tuy nhiên, trước những tác động từ phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm cho các thảm thực vật, động vật rừng, các loại thủy sản bị suy kiệt.
DA1
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng hiện có nhiều loài động vật quý hiếm

Đối diện với nhiều thách thức

Trong thời gian qua, để phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở một số tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã được chuyển sang nuôi tôm. Trong vùng nội địa, phần lớn diện tích đồng cỏ, rừng tràm được chuyển sang sản xuất nông nghiệp làm cho diện tích rừng tự nhiên, đồng cỏ ngày một bị thu thu hẹp lại. Bên cạnh đó, tại vùng đệm, thậm chí tại ngay trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, tình trạng người dân hàng ngày cải tạo đất sản xuất nông nghiệp vẫn đang diễn ra.

Điển hình là tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang). Theo thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay có trên 800 hộ dân đang sản xuất lúa, trồng mía tại 3/4 phân khu của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, trong đó có 120 hộ dân đã gần 30 năm nay sinh sống, sản xuất trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn này.

Từ các hoạt động này của con người, đã và đang làm thay đổi môi trường sinh sống của nhiều loài động thực vật; các sinh cảnh bên trong các Khu Bảo tồn nói chung và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nỏi riêng chỉ mang tính bán tự nhiên, chất lượng suy giảm; còn đa dạng sinh học ở phía bên ngoài của các Khu Bảo tồn thì gần như bị suy kiệt do sự mở rộng và thâm canh trong sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, hệ sinh thái vùng ĐBSCL chủ yếu là hệ sinh thái đất ngập nước, vì vậy, nguồn nước được ví như là máu giúp hệ sinh thái phát triển. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị, khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp,… đang làm cho nguồn nước mặt ở sông, kênh rạch vùng ĐBSCL bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống của các hệ sinh thái.

DA2
Một góc Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan ngày càng diễn ra thường xuyên hơn làm cho nguồn nước từ thượng nguồn đổ về thấp, lượng cá giảm, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của nhiều loài chim; tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, môi trường nước bị thay đổi, nắng nóng kéo dài gây khô hạn, dẫn đến rủi ro cháy rừng, nguồn nước trong các kênh mương ở các Khu Bảo tồn bị phân tầng, lớp nước ở trên quá nóng, ảnh hưởng đến thủy sinh.

Còn ở những vùng đất phèn, thì tình hình khô hạn trong mùa khô khiến mực nước ngầm bị hạ thấp, vào đầu mùa mưa, nước mưa rửa phèn từ trong đất trôi xuống kênh mương làm nhiều loài thủy sản chết. Đối với vùng ven biển, thì nắng nóng trong mùa khô các bãi bùn, bãi cát quá nóng khiến nghêu, sò bị chết. Ngoài ra, những trận mưa trái mùa trong mùa nắng gây ngập cục bộ thời gian ngắn, ảnh hưởng đến năng suất củ năng, đây là nguồn thức ăn của Sếu ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim.

Tất cả những yếu tố trên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học của vùng ĐBSCL. Tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), trong những năm gần đây, ảnh hưởng của BĐKH đang làm cho nhiệt độ ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng hạn hán, nguồn nước bị cạn kiệt rất dễ xảy ra cháy rừng. Những tác động đó đã làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là Sếu đầu đỏ, vì một khi thiếu bãi ăn, thiếu nước uống thì Sếu sẽ lập tức bỏ đi.

Cùng với đó, đối với các loài thực vật, BĐKH sẽ làm cho hệ sinh thái trong Vườn Quốc gia Tràm Chim ảnh hưởng nặng nề như cây cỏ năng không còn củ do bị ngập úng hoặc quá khô khiến củ không phát triển được. Đặc biệt là quần xã rừng tràm, nếu bị ngập nước lâu ngày tràm sẽ bị đổ ngã hoặc kém phát triển, còn nếu quá khô rất dễ gây cháy ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo TS. Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ, các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tràm Chim là thay đổi hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, dịch bệnh, loài ngoại lai và BĐKH. Việc thay đổi hệ sinh thái là do nước ở Vườn Quốc gia Tràm Chim trao đổi chỉ qua các cống, thời gian khô giảm, thời gian ngập gần như quanh năm, cây tràm xâm lấn tất cả các quần xã khác, chất hữu cơ chưa phân hủy tích tụ nhiều hơn trên mặt đất và trong kênh rạch là điều kiện để các loài ngoại lai phát triển.

DA3
Một góc Vườn Quốc gia Tràm Chim

Giải pháp bảo tồn và phát triển

Trước áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, BĐKH đe dọa các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vùng ĐBSCL, bên cạnh việc phối hợp, liên kết thực hiện các đề tài nghiên cứu về thực trạng thảm thực vật, động vật tại các Khu Bảo tồn để có những giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững, thì cũng đẩy mạnh triển khai các dự án giúp cho công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại các Khu Bảo tồn được tốt hơn.

Trong đó, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo triển khai dự án di dời các hộ dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho rằng, việc tỉnh Hậu Giang tập trung chỉ đạo triển khai di dời các hộ dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu Bảo tồn này sẽ giúp cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng trong thời gian tới được tốt hơn.

Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn, trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh chỉ đạo công tác khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng hệ động thực vật; nghiên cứu, tái tạo nguồn gien các loài động thực vật quý hiếm để phục vụ cho công tác nghiên cứu, cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên cho vùng.

Song song đó, “Vườn Quốc gia U Minh Hạ cũng chú trọng đến việc nghiên cứu tìm ra các mô hình sản xuất phù hợp giúp người dân cải thiện đời sống, giảm thiểu những hoạt động gây bất lợi lên hệ sinh thái rừng do khai thác trái phép, quá mức, làm suy thoái và phá vỡ hệ sinh thái. Thông qua hoạt động nghiên cứu này cũng để cho người dân thấy được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên và hệ sinh thái rừng cần được bảo vệ” - Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ Huỳnh Minh Nguyên thông tin.

DA4
Thảm thực vật tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Nhằm đánh giá tình hình bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua và những giải pháp bảo tồn có hiệu quả trong thời gian tới, mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học khu Ramsar Tràm Chim” và triển khai đề tài “Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Tràm Chim thích ứng với BĐKH” giai đoạn 2018-2020.

Qua Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, ngoài việc giữ nước, điều tiết cháy phù hợp, quản lý tốt mực nước tạo môi trường sống cho các thảm thực vật, tạo môi trường quen thuộc cho Sếu, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sinh kế hợp lý cho người dân xung quanh khu vực Vườn Quốc gia.

Ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Tràm Chim đề xuất, trong thời gian tới, cho phép người dân sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để cải thiện cuộc sống trong mùa lũ, phục hồi 450 ha lúa ma tạo nguồn gen và thu hoạch phục vụ du lịch và phục hồi 90 ha bãi năng kim làm thức ăn cho Sếu đầu đỏ... trong Vườn Quốc gia Tràm Chim.

TS. Lê Phát Quới - Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái TP. HCM cho rằng, hiện nay, ở Vườn Quốc gia Tràm Chim chế độ nước dẫn đến những thay đổi đặc tính đất và tiếp theo là thay đổi thành phần các quần xã thực vật, sau đó là môi trường sống của các loài chim nước. Vì vậy, “Cải thiện môi trường đất, mở rộng diện tích đồng cỏ năng, kim, lúa ma, các quần xã thực vật và rừng tràm sẽ thu hút quần thể chim Sếu”- TS. Lê Phát Qưới đưa ra giải pháp.

Một vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học được Ths. Nguyễn Hữu Thiện lưu ý, đó là chúng ta nên thận trọng, không vội vàng xây dựng các công trình kiên cố như kè bờ biển, cống ngăn mặn để ngăn xâm nhập mặn, chống xói lở, vì điều này có thể gây ra những xáo trộn lớn đối với điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái, môi trường ở khu vực bờ biển cũng như ở khu vực sông rạch của vùng ĐBSCL.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: