Đông Nam Á và nỗi lo nước biển dâng

Đăng ngày: 08-03-2023 | Lượt xem: 3886
Các nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt các quốc gia có biển như Singapore và Indonesia, đang phải ra sức ứng phó vấn đề nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Do biến đổi khí hậu, mực nước biển xung quanh Singapore được dự đoán sẽ tăng lên tới 1m vào năm 2100. (Nguồn: Straits Times)

Do biến đổi khí hậu, mực nước biển xung quanh Singapore được dự đoán sẽ tăng lên tới 1m vào năm 2100. (Nguồn: Straits Times)

Bộ trưởng Môi trường và Bền vững Singapore Koh Poh Koon hôm 2/3 cho biết, nước này sắp triển khai một chương trình nghiên cứu trị giá 125 triệu USD dành cho việc tăng cường khả năng quản lý lũ lụt và bảo vệ bờ biển của quốc đảo này.

Theo Cơ quan cấp nước quốc gia PUB, chương trình nhằmxác định rõ hơn tác động của biến đổi khí hậu đối với các khu vực ven biển của Singapore, nó có thể hỗ trợ các nghiên cứu bảo vệ vùng ven biển trên toàn quốc và các vùng có nguy cơ bị lũ lụt ở ven biển và nội địa.

Chương trìnhsẽ bao gồm các nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp sáng tạo, bền vững và thông minh cho môi trường đô thị - một thách thức mà nhiều thành phố ven biển khác cũng phải đối mặt.

Các giải pháp bảo vệ bờ biển bền vững, dựa vào thiên nhiên như trồng rừng ngập mặn, hay quản lý thông minh như sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng được nghiên cứu áp dụng.

Chương trình do Đại học Quốc gia Singapore thực hiện, cùng các đối tác gồm Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, Viện Công nghệ Singapore và Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu.

Bà Hazel Khoo, người đứng đầu Ban bảo vệ bờ biển của PUB, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành khoảng40-50 nghiên cứu mới (về lĩnh vực bảo vệ vùng ven biển, chống ngập lụt) và đào tạo khoảng 20-30 nghiên cứu sinh, từ đó có thể xây dựng một đội ngũ chuyên gia địa phương cho công tác nghiên cứu vùng ven biển”.

Do biến đổi khí hậu, mực nước biển xung quanh Singapore được dự đoán sẽ tăng thêm 1m vào năm 2100. Những cơn bão có thể xảy ra thường xuyên hơn, dẫn đến nguy cơ lũ lụt gia tăng. Vì vậy, điều quan trọng đối với nước này là tăng cường khả năng phục hồi sau lũ lụt.

Theo bà Khoo, chương trình sẽ giúp xây dựng nên kho kiến thức về sự xuất hiện của mực nước biển cực đoan, sóng và bão, cũng như cách mà các vùng ven biển sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Điều này sẽ rất quan trọng trong việc xác định tác động của mực nước biển dâng và biến đổi khí hậu đối với vùng ven biển và các vùng nội địa, nhằm tìm ra và phát triển các giải pháp tối ưu.

Vấn đề chung của khu vực

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với khu vực Đông Nam Á. Nước biển dâng là nguyên nhân đe dọa cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân các nước trong khu vực.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, do dân cư sống tập trung đông đúc ven biển.

Theo Viện Nghiên cứu Deltares (Hà Lan), khoảng 157 triệu người đang sống ở những nơi thấp 2m so với mực nước biển, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu như mực nước biển dâng cao trong những thập niên tới.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo, mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 0,8m từ nay tới năm 2100. Nếu mực nước biển tăng lên 1m sẽ khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư chìm dưới nước, khi đó 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ này.

Bà Cheryl Tay - nghiên cứu sinh tại Trường Môi trường châu Á thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore lưu ý rằng, nhiều thành phố ven biển ở châu Á hiện đang phát triển và đô thị hóa nhanh chóng, do đó, việc khai thác nước ngầm để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt ngày càng tăng.

Ảnh vệ tinh chụp 48 thành phố ven biển từ năm 2014-2020 ghi nhận tốc độ chìm trung bình là 16,2mm mỗi năm. Một số thành phố có mức sụt lún đất khoảng 43mm một năm. Hiện thành phố Jakarta của Indonesia đang lún xuống với tốc độ 4,4mm mỗi năm.

“Lũ lụt có thể làm hư hại tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cực đoan, lũ lụt có thể ảnh hưởng đến sinh kế do làm hư hại đất sản xuất nông nghiệp và buộc người dân phải di chuyển khi không thể ở được nơi đó”, bà Cheryl Tay nói.

Mực nước biển dâng trung bình toàn cầu hiện nay là 3,7mm mỗi năm. Tại Singapore, mực nước biển trung bình đang tăng với tốc độ từ 3-4mm mỗi năm. Dữ liệu của Cơ quan Khí tượng Singapore cho thấy, mực nước biển ở đây đã tăng 14cm kể từ mức trước năm 1970.

Thủ đô Jakarta (Indonesia) cũng đang chìm xuống do sụt lún. Hệ thống đường ống ở đây không cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Do đó họ chủ yếu sống dựa vào nguồn nước giếng lấy từ các tầng nước nông, kết quả là mặt đất phía trên ngày càng sụt xuống.

Theo National Geographic, trong 15 năm nữa, 80% diện tích phía Bắc của Jakarta sẽ nằm dưới mực nước biển. Trong 50 năm nữa, các đường phố hiện tại có thể ở dưới mực nước ít nhất 30 cm.

Với hơn 50 người chết và 300.000 dân buộc phải sơ tán, trận lụt năm 2007 chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho Jakarta khi nước ngập hơn 1/3 thành phố.

Trồng rừng ngập mặn ngăn nước biển

Bên cạnh các biện pháp như xây dựng đê biển và hệ thống thoát nước, trồng rừng ngập mặn là một phương thức hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng nước biển dâng.

Theo nghiên cứu của Đại học Southamton (Anh) cùng Đại học Auckland và Đại học Waikato (New Zealand), rừng ngập mặn giúp chống xói mòn các khu vực bờ biển do các rễ cây giữ lại đất. Hơn nữa, rừng ngập mặn còn tạo ra một hệ thống kênh rạch, những con kênh này bị bồi lắng bùn đất trở nên nông dần, tạo thành hệ thống ngăn nước thủy triều tràn vào sâu trong nội địa.

Bà Cheryl Tay cho rằng, các chính phủ nên xây dựng các hệ thống phòng thủ ven biển như xây tường chắn biển, hoặc sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên như trồng rừng ngập mặn.

“Chính phủ các nước cũng nên giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Nếu việc khai thác các nguồn tài nguyên như nước ngầm, dầu và khí đốt là lý do gây ra sụt lún đất cho một thành phố cụ thể, thì cần có các giải pháp phù hợp” - bà nhấn mạnh.

Các thành phố cần tìm kiếm các nguồn nước khác để thay thế cho việc sử dụng nước ngầm, đồng thời cần bổ sung nước ngầm để hạn chế tình trạng sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

(tổng hợp)

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-nam-a-va-noi-lo-nuoc-bien-dang-219118.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: