Hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại phù hợp với REDD+

Đăng ngày: 23-04-2019 | Lượt xem: 1197
Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải từ các hoạt động REDD+ là lĩnh vực mới tại Việt Nam, bởi vậy, các thắc mắc và khiếu nại phát sinh không hoàn toàn giống với những thắc mắc/phản hồi, khiếu nại được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành hay các dự án đầu tư. Đây là vấn đề được đưa ra tại hội thảo tham vấn “Hoàn thiện Cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại thuộc Đề án Giảm phát thải và Chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025” vừa diễn ra tại Quảng Trị.
anh 1
Hội thảo tham vấn hoàn thiện Cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại thuộc Đề án Giảm phát thải và Chuyển quyền Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2025

Dự kiến tháng 6/2019, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (thay mặt FCPF) sẽ ký kết Hợp đồng chi trả Giảm phát thải (ERPA) để thực hiện Đề án Giảm phát thải và Chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025. Đề án là Chương trình REDD+ cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam, được triển khai tại 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Theo Ban quản lý dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2”, trong quá trình triển khai các hoạt động của Đề án không tránh khỏi nảy sinh những thắc mắc/phản hồi, khiếu nại, ví dụ liên quan đến tái định cư không tự nguyện, các vấn đề phát sinh liên quan đến thanh toán hoặc bồi thường đối với đất đai hoặc tài sản khác, hoặc bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài nguyên hiện có. Do đặc điểm của Đề án được thiết kế nhằm mục đích giảm phải thải, việc xây dựng cơ chế phản hồi và giải quyết khiếu nại riêng nhằm bảo đảm sự hài hòa về quyền và lợi ích giữa các bên liên quan tham gia, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý rừng và tăng hiệu quả thực hiện Đề án.

anh 2
Ông Lê Biên Hòa (đội mũ vàng), người dân xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trao đổi với cán bộ dự án FCPF-giai đoạn 2 về trồng rừng gỗ lớn theo yêu cầu Quản lý rừng bền vững FSC

Tại hội thảo, đại diện ban chỉ đạo REDD+ cấp tỉnh, các chuyên gia và nhà quản lý, các tổ chức chính trị xã hội ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã thảo luận và góp ý hoàn thiện các nội dung cơ bản của cơ chế phản hồi phản hồi và giải quyết khiếu nại thuộc Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2025. Các vấn để được quan tâm là quyền sử dụng đất rừng; phân bổ các hoạt động bảo vệ rừng; khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ rừng; chi trả các dịch vụ môi trường rừng; chia sẻ lợi ích có được từ rừng; và các biện pháp thu hút sự tham gia của người dân vào lĩnh vực lâm nghiệp… cũng như cách thức các bên có liên quan cùng tham gia vào cơ chế.

anh 3
Khu rừng của ông Hòa đã được cấp chứng chỉ FSC từ năm 2009

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Cơ chế phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Nhà tài trợ; phù hợp với các điều kiện cụ thể về tự nhiên, xã hội của các địa phương và các yếu tố phong tục, tập quán, tâm lý của người dân sinh sống tại địa phương. Trong thời gian tới, nội dung của Cơ chế được “quy trình hóa” thành từng bước cụ thể để các bên liên quan có thể dễ nhận biết, dễ tiếp cận, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát.

 

Đề án Giảm phát thải và Chuyển quyền Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 đặt mục tiêu sẽ giảm được 32,09 triệu tấn CO2 quy đổi (bao gồm cả giảm phát thải và tăng hấp thụ các-bon rừng). Trong đó Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF)/Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi trả cho các nỗ lực giảm phát thải sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu USD. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đây chính là giá trị gia tăng của rừng, không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn góp phần vào nỗ lực chung quốc gia của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: