Kêu gọi thích ứng biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 30-03-2020 | Lượt xem: 2212
Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng hạ tầng và hoạt động giao thông, vận tải trên toàn thế giới. Châu Âu sẽ phải chi ra hàng trăm triệu ơ-rô nhằm khắc phục thiệt hại nếu không sớm đưa ra các biện pháp bảo đảm hạ tầng giao thông có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kêu gọi thích ứng biến đổi khí hậu

Bão Dennis gây ngập nhiều tuyến đường ở Anh. Ảnh Reuters

Trong báo cáo được công bố mới đây, nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE) đã tiến hành đánh giá và đưa ra dự báo tác động của biến đổi khí hậu với hạ tầng giao thông cũng như hoạt động của ngành giao thông vận tải ở khu vực. Theo Người phát ngôn của UNECE, ông J.Rodriguez, các cảng ở Biển Bắc và hạ tầng đường bộ, đường sắt dọc Ðịa Trung Hải được đánh giá là sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Trích dẫn một báo cáo năm 2018, các chuyên gia của UNECE nhận định, 60% cảng biển của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) có nguy cơ ngập lụt cao vào năm 2100, gián đoạn hoạt động của tàu, thuyền và gây thiệt hại các cơ sở hạ tầng ven biển. Mực nước biển dâng cao được dự báo sẽ ảnh hưởng toàn bộ khu vực bờ Biển Bắc, nơi tàu, thuyền thường xuyên ra vào tại hơn 500 bến cảng. Theo UNECE, một số hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy có thể được thay thế bằng đường sắt, song không đủ công suất và có thể tiêu tốn thêm 2,5 triệu ơ-rô mỗi ngày.

UNECE cảnh báo, các tuyến đường chính của Mạng lưới đường bộ quốc tế châu Âu (E-Road), hệ thống đường sắt ở các khu vực đông dân cư gần các con sông lớn tại châu Âu như sông Danube, Volga… sẽ chịu nhiều tác động của mưa, bão gây lũ lụt, sạt lở đất. Tây Ban Nha vừa hứng chịu những cơn bão lớn, khiến nhiều tuyến đường bộ, đường sắt bị gián đoạn và nhiều thị trấn ở các khu vực ven biển rơi vào cảnh ngập lụt. Ở Anh, chi phí ứng phó mưa lớn kéo dài, lũ lụt là gần 60 triệu bảng trong năm 2010 và có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2040. Trong khi đó, nắng nóng kỷ lục tại châu Âu năm 2019 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với hạ tầng đường bộ, đường sắt. Nắng nóng kéo dài cũng làm giảm mực nước ở nhiều dòng sông, gia tăng rủi ro với giao thông, vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa.

Dù chi phí khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu ngày càng cao, theo ông J.Rodriguez, khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của hạ tầng giao thông vẫn ít được quan tâm. Ông J.Rodriguez cảnh báo, đa số hạ tầng giao thông ở châu Âu và hầu hết các nước trên thế giới được xây dựng chỉ xem xét điều kiện thời tiết trong thế kỷ 20 mà không tính tới các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Ngoài ra, nguy cơ hạ tầng giao thông bị hư hại cũng tăng khi nhiều nước không đầu tư đầy đủ vào công tác bảo trì.

Báo cáo của UNECE được công bố nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng xây dựng, vận hành, bảo trì và khôi phục hạ tầng giao thông của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu. Bản báo cáo khuyến nghị chính quyền các nước cung cấp thông tin đầy đủ về các mạng lưới và nút giao thông chính, nhất là những mạng lưới giao thông có tầm quan trọng với khu vực, quốc tế. Ðiều này góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết, tạo thuận lợi cho việc đánh giá, dự báo, giúp đưa ra các biện pháp ứng phó cụ thể và kịp thời.

Không chỉ ảnh hưởng ngành giao thông vận tải, biến đổi khí hậu còn tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, khu vực. Bởi vậy, hạ tầng giao thông cần sớm được đầu tư, cải thiện nhằm sẵn sàng thích ứng và hạn chế những thiệt hại do thiên tai với cường độ và tần suất ngày càng tăng.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: