Khai mạc Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP27

Đăng ngày: 07-11-2022 | Lượt xem: 2084
Ngày 6/11, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Ai-cập.

Tham dự có ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26/CMP 16/CMA 3; ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP 27/CMP 17/CMA 4; ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu; ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cùng với đại diện các bên nước tham gia UNFCCC. Khoảng 40.000 đại biểu, trong đó có gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc (LHQ). Trên 3.000 phóng viên quốc tế đăng ký tham gia đưa tin sự kiện này.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu từ các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; một số doanh nghiệp.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị COP27

Hội nghị COP27 với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. Hội nghị sẽ tiếp nối những vấn đề đặt ra tại COP26 (được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11/2021), cho thấy chúng ta đang đối mặt với thập kỷ quan trọng, đòi hỏi có những hành động thiết thực cũng như cần thực hiện các cam kết đã đưa ra.

Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 cho biết: Tại COP26, các quốc gia đều đã thống nhất rằng việc hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu là vì lợi ích chung của thế giới. Vì sự thống nhất, đồng lòng này, chúng ta đã có thể thông qua các nội dung quan trọng về Tuyên bố Khí hậu Glassgow, Paris Rulebook. Hơn 90% nền kinh tế toàn cầu đã ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”. Khẳng định sau COP26 đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên, ông Alok Sharma cho rằng vẫn còn thiếu sót trong việc thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm.

Tại phiên khai mạc Hội nghị COP27, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP 27/CMP 17/CMA 4 kêu gọi các quốc gia sẽ cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Hội nghị COP27 có đại biểu từ 196 nước thành viên tham gia UNFCCC

Trong Báo cáo IPCC đưa ra năm 2022, các nhà khoa học ước tính, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây là những dấu hiệu cầu cứu từ Trái đất - ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết.

Ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh việc triển khai các cam kết sẽ là trách nhiệm toàn cầu, của mỗi người dân. Ông cũng kêu gọi hội nghị tập trung vào 3 nội dung quan trọng: Thứ nhất, chuyển đổi từ giai đoạn đàm phán sang giai đoạn triển khai, tận dụng các cơ chế tài chính hiện có để hỗ trợ triển khai Thỏa thuận Paris. Thứ hai, tiếp tục tập trung vào các hợp phần quan trọng: giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại. Thứ ba, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của các Bên trong quá trình triển khai.

Hiện nay, mới chỉ có 29/194 quốc gia đã cập nhật cam kết quốc gia với các cam kết mạnh mẽ hơn từ sau COP26. Ông kêu gọi 165 quốc gia còn lại sẽ rà soát và đưa ra các cam kết tham vọng hơn.

Theo chương trình làm việc, sau phiên khai mạc ngày 6/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 7 - 8/11. Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các phiên họp từ ngày 9 - 17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Ngày Tài chính, Ngày Khoa học, Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai, Ngày về khử carbon, Ngày thích ứng và nông nghiệp, Ngày về giới, Ngày về nước, Ngày về xã hội dân sự, Ngày năng lượng, Ngày đa dạng sinh học, Ngày về các giải pháp. Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị sẽ thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.

 

Chu Thanh Hương  (từ Sharm el-Sheikh, Cộng hòa A-rập Ai-cập)

Nguồn: Monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: