Mộc Châu – Sơn La: Chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên

Đăng ngày: 28-06-2018 | Lượt xem: 5112
(TN&MT) - Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường,...
Mộc Châu – Sơn La: Chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên

Huyện Mộc Châu ra quân thu gom thuốc bảo vệ thực vật, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 1/8/2013 của Tỉnh ủy Sơn La, huyện Mộc Châu đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt, xây dựng và ban hành chương trình hoạt động, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao. Trong đó, đã đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vào chương trình ngoại khóa trong các trường học, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ngành tài nguyên cấp huyện và cấp xã. Xây dựng và thực hiện các tiêu chí, chuẩn mực về môi trường trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; hình thành các văn hóa, đạo đức môi trường trong xã hội. Tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và môi trường trên địa bàn huyện; khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng – an ninh với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, khoáng sản, đa dạng sinh học và công tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: Để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, huyện Mộc Châu đã tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực quản lý biến đổi khí hậu tại cấp huyện. Lồng ghép, tích hợp biến đổi khí hậu vào công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án của huyện. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị, tổ chức tích cực chủ động trong công tác tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu với sự tham gia của cộng đồng trong việc phục hồi, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu. Thực hiện đảm bảo an toàn hồ chứa nước, bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, suối, bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn. Hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu và giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

Thực hiện nghiên cứu, đánh giá nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện theo các kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Sơn La. Tăng cường trồng rừng, chống mất rừng, suy thoái rừng, phát triển rừng. Thực hiện một số giải pháp thân thiện với khí hậu trong sản xuất nông nghiệp như sử dụng nước, phân bón, thức ăn chăn nuôi phù hợp, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát triển và sử dụng khí sinh học.

Trong công tác quản lý tài nguyên, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Đất đai 2013 nhằm nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức về pháp luật. Hoàn thành và tổ chức thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2017 huyện Mộc Châu. Đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trên đất dốc, kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp, đẩy mạnh khai thác quỹ đất chưa sử dụng.

Huyện Mộc Châu đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống xanh – sạch – đẹp

Huyện Mộc Châu đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống xanh – sạch – đẹp

Rà soát, đề xuất giải quyết dứt điểm những trường hợp đất đã giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, lãng phí. Triển khai nhiều đợt kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích; lấn, chiếm, tự ý chuyển nhượng, cho thuê lại toàn bộ hoặc một phần diện tích. Thu hồi những lô đất vi phạm pháp luật đất đai để bán đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Triển khai quan trắc một số điểm ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm tài nguyên nước trên địa bàn huyện. Thực hiện quan trắc chất lượng môi trường tại các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, nhằm nắm bắt được diễn biến chất lượng môi trường. Trong giai đoạn 2013-2018, đã ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất tinh bột dong bún, phở.

Bên cạnh đó, huyện đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Kiểm soát việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, hóa chất bảo quản nông sản. Đẩy mạnh thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích ứng dụng các quy trình sản xuất sạch trong sản xuất nông nghiệp. Chú trọng bảo vệ, khai thác hợp lý cảnh quan, dịch vụ hệ sinh thái và di sản thiên nhiên, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Do nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên của hầu hết cộng đồng dân cư chưa cao, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nên gặp khó trong công tác tuyên truyền, quản lý và xử lý vi phạm. Cộng thêm điều kiện giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, dẫn đến hạn chế trong quá trình vận động hộ gia đình, cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức trong phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Việc sắp xếp dân cư, bố trí tái định cư có nơi chưa phù hợp tập quán canh tác, dẫn đến một số hộ tự tìm nơi ở mới, phá rừng làm nương rẫy làm suy thoái nguồn tài nguyên rừng, tác động mạnh mẽ đến biến đổi khí hậu. Tình trạng sử dụng, khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra.

Trong thời gian tới, huyện Mộc Châu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La tham mưu UBND tỉnh bổ sung các chính sách để cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường phù hợp từng giai đoạn phát triển. Đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của tỉnh Sơn La.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: