Năm 2021 Bạc Liêu tích cực thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh theo kế hoach cho đến năm 2030

Đăng ngày: 30-01-2021 | Lượt xem: 1638

Thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển, ven sông. Để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030.

Với mục tiêu nâng cao trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan và các cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm thực triều cường gây ra, nhằm góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bạc Liêu tăng cường công tác phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành chủ động và thường xuyên nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển đạt hiệu quả của các cấp, các ngành nhất là các địa phương. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở Bạc Liêu

Giải pháp phi công trình nhằm thực thi kế hoạch này

Giai đoạn 2021 - 2025

Các ngành, các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và tổ chức quan trắc, giám sát, nghiên cứu và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 437/QĐ-BNN-PCTT ngày 14/02/2020 về việc giao Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện dự án điều tra cơ bản “Điều tra, giám sát hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các cảnh báo, giải pháp xử lý”, trong đó trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có đặt 04 điểm mốc quan trắc, giám sát sạt lở bờ sông, bờ biển. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và cơ quan thuộc Tổng cục Phòng chống thiên tai để thực hiện.

Các vị trí mốc còn lại, từ giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cắm 193/386 mốc quan trắc, giám sát sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

Kiểm soát hoạt động khai thác nạo vét bùn cát lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác bùn, cát trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở; quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế cho người dân. Do đó, các Sở: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban trực thuộc đơn vị chủ động lập kế hoạch thực hiện và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức theo dõi, cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh. Từ giai đoạn 2021 - 2025, cần cắm 370/740 biển báo sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố.

Các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới; xây dựng phương án phải bám sát theo phương châm “bốn tại chỗ” và yêu cầu “ba sẵn sàng”; nội dung của phương án tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau: Tổ chức theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo và thông tin tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh; Vận động và hỗ trợ các hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh đến nơi an toàn; Ứng phó kịp thời và khắc phục nhanh các hậu quả do sạt lở gây ra; Đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực xảy ra sạt lở.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xác định các khu vực sạt lở, làm cơ sở di dời dân đến nơi an toàn.

Giai đoạn 2026-2030

Kế thừa và tiếp tục thực hiện các nội dung như giai đoạn 2021 - 2025.

Quản lý, bảo vệ, nâng cấp, duy tu, sửa chữa các hệ thống mốc quan trắc, giám sát và biển báo sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực sạt lở đã xây dựng.

Tiếp tục triển khai cắm thêm 193/386 (còn lại) mốc quan trắc, giám sát sạt lở bờ sông, bờ biển, thực hiện năm 2026 - 2027;

Tiếp tục cắm thêm 370/740 (còn lại) biển báo sạt lở bờ sông, bờ biển, thực hiện năm 2026 - 2027.

Kiểm tra, giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu, bổ sung, điều chỉnh, phát huy sáng tạo, từ đó đề xuất các giải pháp, ứng dụng các công nghệ mới vào công tác xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Giải pháp công trình nhằm thực thi kế hoạch đề ra

Giai đoạn 2021-2025

Để phòng, chống và ngăn chặn việc mở rộng phạm vi sạt lở bờ sông, bờ biển giai đoạn 2021 - 2025 thì cần có các giải pháp công trình như sau: Xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ chân công trình, nhằm tránh xâm thực từ sông, biển vào chân kè; Ngoài các khu vực dân cư đã thực hiện, cần tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các khu dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông, bờ biển do triều cường, sạt lở đất; Xây dựng các tuyến đê, kè sông, kè cửa sông ven biển kết hợp giao thông; tuyến đê biển kết hợp an ninh quốc phòng. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư.

Danh mục dự án và nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025:

Từ các giải pháp công trình như đã nêu trên, giai đoạn 2021 - 2025 cần đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, dự án di dân tái định cư và Dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông với tổng nhu cầu kinh phí là 11.147 tỷ đồng (trong đó có 04 dự án, công trình có thực hiện tiếp giai đoạn 2026 - 2030), cụ thể như sau: Bờ sông: Có 16 dự án, công trình và kinh phí dự kiến là 8.625 tỷ đồng (có 02 dự án thực hiện tiếp giai đoạn 2026 - 2030 để hoàn thiện); Bờ biển: Có 09 dự án, công trình và kinh phí dự kiến là 1.672 tỷ đồng; Dự án di dân tái định cư: Có 01 dự án và kinh phí dự kiến là 600 tỷ đồng (có thực hiện tiếp giai đoạn 2026 - 2030 để hoàn thiện); Dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông: Có 01 dự án và kinh phí dự kiến là 250 tỷ đồng (có thực hiện tiếp giai đoạn 2026 - 2030 để hoàn thiện).

Quy trình khắc phục sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển:

Khi sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở bất kỳ thời mọi thời điểm, đề nghị các ngành, các cấp đảm bảo thực hiện quy trình khắc phục sự cố, cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn khẩn trương bố trí nơi ở tạm, chăm lo đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân bị sạt lở bờ sông, bờ biển, triều cường và tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh; tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc trong khu vực bị sạt lở, tổ chức tháo dỡ, kiên quyết cưỡng chế mọi trường hợp cố tình không di dời. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để giúp người dân trong khu vực sạt lở sớm ổn định cuộc sống trước mắt trong khi chờ có nơi định cư mới. Tổng hợp báo cáo tình hình sự cố, thống kê thiệt hại và công tác tổ chức xử lý, khắc phục về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cân đối giải quyết quỹ đất, quỹ nhà của địa phương để bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, đánh giá lại các khu vực có nguy cơ sạt lở tiếp theo trên toàn tuyến sông, bờ biển để chủ động cảnh báo cho nhân dân trong khu vực sạt lở biết và chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Nghiên cứu, lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển tại khu vực xảy ra sạt lở.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng Thanh niên xung kích phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển để huy động lực lượng kịp thời ứng cứu người, trục vớt tài sản và di dời người dân đến nơi an toàn.

- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương để hỗ trợ, cứu trợ đột xuất cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng sạt lở theo quy định.

- Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc khắc phục các sự cố về hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc trong khu vực bị sạt lở.

- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bố trí nguồn kinh phí để kịp thời thực hiện khắc phục khẩn cấp sự cố sạt lở.

Giai đoạn 2026-2030

Kế thừa và tiếp tục thực hiện các nội dung như giai đoạn 2021 - 2025. Quản lý, bảo vệ, nâng cấp, duy tu, sửa chữa hệ thống các công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhằm phát huy hiện quả vốn đầu tư cho mục tiêu phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực đã xây dựng công trình. Kiểm tra, giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu, bổ sung, điều chỉnh, phát huy sáng tạo, từ đó đề xuất các giải pháp, ứng dụng các công nghệ mới vào các giải pháp công trình trong công tác xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Danh mục dự án và nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2026 - 2030

Từ các giải pháp công trình đã thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục kế thừa và thực hiện tiếp để hoàn thiện các dự án, công trình giai đoạn 2021 - 2025 chuyển sang; đồng thời đầu tư, xây dựng mới các dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, cụ thể như sau:

Tổng số các dự án, công trình mới (kể cả dự án giai đoạn 2021 - 2025 chuyển sang) là 23 dự án, công trình với tổng nhu cầu kinh phí là 8.110 tỷ đồng, trong đó: Bờ sông: Có 21 dự án, công trình và kinh phí dự kiến là 7.270 tỷ đồng (có 02 dự án giai đoạn 2021 - 2025 chuyển sang); Dự án di dân tái định cư: Có 01 dự án và kinh phí dự kiến là 600 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 chuyển sang); Dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông: Có 01 dự án và kinh phí dự kiến là 240 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 chuyển sang).

Quy trình khắc phục sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển: Khi sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở bất kỳ thời mọi thời điểm, đề nghị các ngành, các cấp đảm bảo thực hiện quy trình khắc phục sự cố như giai đoạn 2021 -2025.

Tin Tạp chí KTTV- Thông tin Bạc Liêu

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: