Nguy cơ ngập ở các khu vực khi mực nước biển dâng cao theo Kịch bản BĐKH

Đăng ngày: 21-01-2022 | Lượt xem: 14084
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2020. So với phiên bản trước được công bố vào năm 2016, kịch bản lần này đã cung cấp bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Mức độ chi tiết của bản đồ được cập nhật đến cấp xã.

Theo kịch bản cập nhật này: Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập rất cao. Nếu mực nước biển dâng 80 cm, sẽ có khoảng 31,94% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Cà Mau (64,42%) và Kiên Giang (66,16%). Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ có khoảng 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập, cao nhất là tỉnh Cà Mau khoảng 79,62%.

Bản đồ nguy cơ ngập ứng với kịch bản mực nước biển dâng 100 cm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nếu mực nước biển dâng 80 cm, khoảng 15,21% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập. Nếu mực nước biển dâng 100 cm khoảng 17,15% diện tích Thành phố có nguy cơ bị ngập. Trong đó, quận Bình Tân, quận Thủ Đức có nguy cơ ngập cao nhất, tương ứng 80,35% và 64,47%.

Ở phía bắc, đối với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng: Nếu mực nước biển dâng 80 cm, khoảng 1,59% diện tích của tỉnh Quảng Ninh và 8,4% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập. Trong đó, tỉnh Thái Bình (25,06%) và tỉnh Nam Định (29,29%) là 2 tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, 1,94% diện tích của tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập. Nam Định là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất khoảng 43,67%, trong khi đó toàn Đồng bằng sông Hồng là 13,20%.

Các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ ngập

Nguy cơ ngập vì nước nước biến dâng do biến đổi khí hậu sẽ có thể gia tăng do cộng hưởng của các yếu tố khác như nâng hạ địa chất, thay đổi địa hình, sụt lún, thủy triều, nước dâng do bão. Trong đó, đặc biệt là hiện tượng sụt lún đất đang diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với nền địa hình thấp nhất trên cả nước, do 2 nhóm nguyên nhân chính:

• Nhóm nguyên nhân tự nhiên như dịch chuyển các mảng kiến tạo, quá trình nén chặt của các lớp trầm tích trẻ, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình…

• Nhóm nguyên nhân do con người tác động như khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông.

Bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng lần này đạt độ chính xác cao, độ cao đạt mức dưới 10cm, phân giải ô lưới 1m x 1m (tương ứng với bản đồ tỷ lệ 1: 2000) cho 28 tỉnh ven biển, riêng Đồng bằng sông Cửu Long là toàn bộ 13 tỉnh, đây là cơ sở tốt để đánh giá những khu vực trong bản đồ nguy cơ ngập, từ đó định hướng để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước; cải tạo và chống lấn chiếm thu hẹp hồ ao, sông, kênh trong đô thị; nạo vét khơi thông dòng chảy; xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao, đê xung yếu, đường ven biển, bờ ngăn chống lũ.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: