Sạt lở, sụt lún đất tàn phá vùng ngọt hóa Cà Mau

Đăng ngày: 15-04-2020 | Lượt xem: 3291
Nhắc đến sụt lún, sạt lở đất ở ĐBSCL, người ta nghĩ đến mùa mưa lũ. Nhưng ở Cà Mau ngay thời điểm nắng hạn gay gắt, sụt lún gây ra sạt lở nặng nề.

Hệ thống kênh thủy lợi trong vùng ngọt của Cà Mau đã cạn kiệt nước. Ảnh: Trọng Linh.

Huyện Trần Văn Thời được mệnh danh là tỉnh Cà Mau thu nhỏ, bởi có đầy đủ các đặc điểm tự nhiên đặc trưng nhất của tỉnh Cà Mau gồm: biển đảo, vùng đất ngập mặn và vùng ngọt hóa.

Tài sản quý giá nhất của huyện Trần Văn Thời đang có chính là vùng ngọt hóa, chuyên canh lúa hai vụ với diện tích khoảng 26.000 ha, chiếm hơn 70% diện tích của toàn tỉnh. Nhưng vùng ngọt trù phú nơi đây đang bị tàn phá nặng nề bởi hiểm họa mang tên sụt lún đất.

Liên tục sụt lún 

Tại tuyến đường phòng hộ đê biển Tây, đoạn từ Kênh Mới – Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tiến hành bơm sình từ ngoài biển vào con kênh dưới chân đê (trong vùng ngọt). Nghe có vẻ lạ nhưng đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất lúc này để hạn chế đoạn đê bị sụt lún tiếp.

Vào giữa tháng 2 vừa qua, đoạn đê nêu trên đã bị sụt lún xuống sâu khoảng 2 m, gồm toàn bộ mặt đường đê phòng hộ rộng khoảng 7 m và kéo dài khoảng 100 m.

Sau đó vài ngày, một đoạn đê nối tiếp dài khoảng 90 m tiếp tục bị sụt lún tương tự. Cũng chẳng bao lâu sau, toàn đoạn đê Kênh Mới – Đá Bạc, với chiều dài khoảng 4,5 km xuất hiện nhiều vết nứt, mặt đường bị xê dịch và có những vị trí lún xuống khoảng 10 cm.

Tỉnh Cà Mau phải khẩn cấp triển khai bơm sình, nước mặn vào đoạn đê này để tạo phản áp, tăng sự kết dính của đất nhằm hạn chế thiệt hại.

Đa số người dân địa phương đồng ý triển khai phương án này, bởi họ chưa thể nào quên được cơn triều cường kỷ lục kèm theo sóng lớn đưa nước mặn tràn qua đê, uy hiếp vùng quê này vào đầu tháng 8/2019.

“Ruộng lúa chỉ cách chân đê độ 40 – 50 m thôi. Không giữ được đê mùa mưa thủy triều dâng, nước mặn vào là chết. Nhưng làm sao phải đảm bảo việc bơm sình vào không ảnh hưởng đến ruộng đồng. Nước mặn mà vào ruộng thì không chỉ 1 mà vài vụ lúa tiếp theo bị thất bát”, ông Trần Văn Ái, người dân ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây bày tỏ lo lắng.

Tuyến đường phòng hộ đê biển Tây của tỉnh Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, có 3 tuyến đường ô tô có thể về đến trung tâm xã thì cả 3 tuyến đều bị sụt lún nghiêm trọng.

Ngoài tuyến đê đã nói trên thì tuyến Tắc Thủ - Đá Bạc (đoạn qua nông trường 402) có hai điểm sụt lún ăn sâu vào mặt đường từ 3 – 5 m. Tuyến đường duy nhất còn lại từ Co Xáng – Cơi Năm – Đá Bạc, vừa qua, chính quyền xã Trần Hợi và xã Khánh Bình Tây phải liên tục dựng lên các rào chắn, biển cảnh báo vì việc sụt lún diễn ra hằng ngày, hằng tuần.

Xã đảo Khánh Bình Tây hiện đang bị cô lập vì đường bộ thì sụt lún, còn đường thủy bị “đóng băng” do toàn bộ hệ thống sông, kênh rạch nước cạn trơ đáy.

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau xảy ra hơn 1.100 vụ sạt lở, sụt lún đất. Huyện Trần Văn thời chịu ảnh hưởng lớn nhất với khoảng 1.000 vị trí. Thực trạng trên đã làm hư hỏng khoảng 25 km đường giao thông. 

“Tình hình năm nay giống như mùa hạn hạn 2015 – 2016 nhưng gây thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Nguyên nhân cơ bản nhất là do nắng hạn làm nền đất bị khô, mất kết dính. Trong khi mực nước dưới kênh rạch rút sâu, làm mất phản áp gây sụt lún, sạt lở hàng loạt”, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau đánh giá.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: