Suy giảm lượng bùn cát trên lưu vực sông gây sạt lở bờ biển

Đăng ngày: 12-01-2018 | Lượt xem: 1272
(TN&MT)- Ngày 12/1, tại TP. Đà Nẵng, Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết...

Quang cảnh hội thảo

Tại Việt Nam, hiện tượng xói mòn bờ sông, bờ biển và sự xuống cấp của lòng sông xảy ra rõ rệt ở nhiều nơi, gây ra những tác động nghiêm trọng như: Mất đất sinh hoạt, đất sản xuất, xuống cấp các công trình đê kè…

Kết quả khảo sát sạt lở bờ biển trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ ra: Sự gia tăng hoạt động của con người như xây dựng đập, hồ chứa nước, cơ sở hạ tầng và khai thác cát chưa dựa trên nghiên cứu khoa học đầy đủ đã làm thay đổi trạng thái cân bằng bùn cát gây sạt sở bờ biển ở nhiều nơi. Tại tỉnh Quảng Nam, theo dữ liệu của địa phương cung cấp, từ năm 2008 hơn 10 triệu m3 cát đã được khai thác từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Bên cạnh đó, 42 thủy điện phía thượng lưu cũng giữ lại lượng bùn cát bồi lắng trong lòng hồ. Từ năm 1973-1992, đường bờ phải gần cửa sông Thu Bồn (Quảng Nam) đã tiến ra phía biển trên 1.000m so với đường bờ biển năm 1973. Từ 1993-2017, đường bờ trái gần cửa sông Thu Bồn đã bị xói lở khoảng 200m kể từ năm 1973.

Báo cáo cũng chỉ ra, từ năm 1997 – 2017, lượng bùn cát cung cấp cho cửa sông Cửa Đại đã giảm 40%, trong đó chủ yếu do hoạt động khai thác cát. Đây là nguyên nhân gây gia tăng tình trạng xói lở, xâm thực bờ biển Cửa Đại (TP. Hội An). Bên cạnh đó, các giải pháp xây kè cứng, cọc cừ thép chỉ mang tính tạm thời nên hiệu quả kém và gây ảnh hưởng xấu đến khu vực lân cận. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị) và bãi biển Phú Yên.

JICA cho rằng nguyên nhân gây xói lở bờ biển miền Trung là do thiếu hụt bùn cát

Để giải quyết triệt để vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề xuất các giải pháp ngắn hạn như phục hồi tính liên tục và cải thiện sự bất đối xứng trong vận chuyển bùn cát bằng nuôi bãi kết hợp xây dựng hệ thống công trìn nắn dòng. Về lâu dài, cần tiến đến cải tiến hệ thống quản lý và nâng cao năng lực quản lý, tăng cường nguồn nhân lực, nâng cao khoa học kỹ thuật trong quản lý bùn cát; lập quy hoạch phải dựa trên cơ sở khoa học của quá trình vận chuyển bùn cát trên lưu vực sông; thực hiện quản lý tổng hợp bùn cát.

Ông Ryutaro Kobayashi- Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tiến hành các giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó nuôi bãi để bổ sung lượng cát được xem là khả thi nhằm bảo vệ bờ biển miền Trung.

“Xây dựng đê kè chống sạt lở bờ biển chỉ là giải pháp tức thời vì nguyên nhân chính là thiếu hụt lượng bùn cát trên lưu vực sông. Tại Nhật Bản, để đảm bảo cân bằng lượng bùn cát, chúng tôi đã triển khai giải pháp nuôi bãi hoặc đổ cát vào khu vực này cùng một số giải pháp cứng để giữ lại lượng cát. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng cần phải có nghiên cứu khoa học trong điều kiện lượng bùn cát bị mất đi vào mùa mưa bão và bồi trở lại phần vào mùa hè”- Ông Ryutaro Kobayashi đề xuất.
Nguồn: Báo TN&MT
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: