Tân Uyên (Lai Châu): Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 22-04-2019 | Lượt xem: 1491
(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề của toàn cầu nhưng tác động của nó tới từng địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Tân Uyên nói riêng trong những năm qua là không hề nhỏ. Những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi về thời điểm và thời gian của các mùa, các hiện tượng mưa lớn, gió lốc, mưa đá, lũ, rét đậm, rét hại đặc biệt nghiêm trọng.

Gia tănghiện tượng thời tiết cực đoan

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, cho biết: Những năm qua, tác động của BĐKH kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện. Tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và vùng ảnh hưởng ngày càng rộng dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất. Việc canh tác lúa 2 vụ tại những chân ruộng cao đã và đang phải đối mặt với những rào cản lớn từ hiện tượng hạn hán. Trong khi đó, các biện pháp như xây dựng kênh mương dẫn nước từ các khe, mạch nước lớn gặp nhiều khó khăn bởi mạch nguồn nước cũng đang cạn kiệt dần.
 

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến tỉnh Lai Châu. Trong ảnh: Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại huyện Tam Đường.
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến tỉnh Lai Châu. Trong ảnh: Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại huyện Tam Đường.

Tốc độ gió trung bình của Tân Uyên trước đây chỉ ở mức thấp nhưng mấy năm trở lại đây hiện tượng gió lốc xảy ra liên tục và gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, mưa đá, gió lốc xảy ra tại tại huyện Tân Uyên đã làm ảnh hưởng đến hơn 700 ngôi nhà, trong đó có 10 nhà sập hoàn toàn, 10 nhà bị xiêu vẹo phải dựng lại, trên 20 hộ bị tốc mái hoàn toàn…

Một vài năm trở lại đây, các đợt rét đậm, rét hại cũng xuất hiện ngày một nhiều khiến không chỉ vật nuôi mà ngay cả con người cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khoẻ và sản xuất. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình trong năm lại tăng lên. Cường độ mưa lớn và thời gian mưa kéo dài hơn khiến cho các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ngày càng xuất hiện nhiều.
 

Huyện Tân Uyên chịu những tác động không nhỏ trước sự gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.
Huyện Tân Uyên chịu những tác động không nhỏ trước sự gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.

Chỉ tính riêng năm 2018, trên địa bàn huyện Tân Uyên đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, kèm theo gió lốc mạnh, gây ra lũ trên các sông, suối và sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu và nhà cửa của người dân, làm hư hỏng nghiêm trọng nhiều công trình, hạ tầng của tư nhân và Nhà nước. Ảnh hưởng của thiên tai đã khiến 127 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng, trong đó có 20 nhà bị sập, đổ hoàn toàn; 24 nhà bị thiệt hại rất nặng (50-70%), 10 nhà bị thiệt hại nặng (30-50%), 73 nhà bị thiệt hại một phần (dưới 30%). Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều cung sạt lớn nhỏ, có 302 hộ gia đình ở khu vực nguy hiểm, trong đó 131 hộ nằm trong nhóm nguy cơ cao phải di dời khẩn cấp.

Mưa lũ làm 43,94ha lúa chuẩn bị thu hoạch, 60,48ha lúa mới cấy, 30.817m2mạ bị thiệt hại hoàn toàn; 70,59ha ngô chuẩn bị thu hoạch bị vùi lấp, ngập úng; 12,54ha chè trồng mới; 13,22ha chè kinh doanh, 64,25ha Thảo quả bị sói mòn, sạt lở. 6,45ha diện tích lúa nương bị sụt sạt, 2,4ha các cây hoa màu khác bị ngập úng, vùi lấp. Sạt lở, vùi lấp trên 100ha đất ruộng; 21,01ha ao bị tràn, ngập; 46 con trâu, bò, 55 con gia súc khác bị lũ cuốn trôi; 1.354 con gia cầm, thủy cầm bị chết. Sạt lở đất đá cũng đã làm thiệt hại 29,94 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 25,44ha, rừng trồng 4,5ha.

Mưa lũ cũng đã làm 1 cầu treo bị hư hỏng nặng; 42 tuyến đường liên xã, liên bản, trục bản, nội bản, đường sản xuất nội đồng do huyện quản lý bị sụt sạt trên 100.000m3 đất đá, bị đứt gãy, cuốn trôi với tổng chiều dài trên 600m, sói mòn trên 500m nền đường; 7 đơn vị trường học và 1 cơ quan phòng giáo dục huyện bị ảnh hưởng. Đổ 10 cây cột điện, đứt 3000m đường dây điện trung thế; 2 công trình thủy điện bị ảnh hưởng; 52 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng làm hư hỏng 35 đầu đập, gãy 5.361m kênh, vùi lấp, sụt lún 2.040m; 39 công trình nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, hư hỏng 10 đầu mối, gãy, trôi 1.876m ống.

Các suối Nậm Chăng, Nậm Cưởm, Suối Lĩnh, Phiêng Bay... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thay đổi dòng chảy, phá vỡ bờ kè, sói mòn ảnh hưởng trực tiếp tới các khu dân cư và sản xuất.

Giải pháp chủ động ứng phó

Biểu hiện của BĐKH ở huyện Tân Uyên có thể dễ dàng nhận ra bởi những thay đổi dễ nhận biết nhưng cũng có thể là những chuyển biến âm ỉ về môi trường mà phải mất nhiều năm ghi nhận, nghiên cứu, đánh giá mới đưa ra được con số chính xác, nhưng có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng BĐKH đang tác động tiêu cực tới tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Tân Uyên nói riêng.

Ông Ngọ Doãn Bình cho biết: Để ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp huyện Tân Uyên đã chủ động tìm những giải pháp chủ động ứng phó và kịp thời khắc phục hậu quả do BĐKH để lại. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đã triển khai thực hiện việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với BĐKH, đặc điểm sinh thái của vùng và địa phương; hướng dẫn người dân thay đổi khung thời vụ gieo trồng để tránh những đợt rét đậm, rét hại khi gieo cấy và mưa lũ khi thu hoạch; áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại; thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, hạn chế chăn thả, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc…
 

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đã triển khai thực hiện việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với BĐKH, đặc điểm sinh thái của vùng và địa phương
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Tân Uyên đã triển khai thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với BĐKH, đặc điểm sinh thái của vùng và địa phương

Bên cạnh đó, huyện Tân Uyên cũng tăng cường thực hiện việc thanh thải các lòng suối trên địa bàn huyện, đầu tư xây dựng kè suối nhằm bảo vệ khu dân cư và diện tích sản xuất của người dân 2 bên các dòng suối. Xây dựng phương án và tổ chức di chuyển dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai. Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện, huyện Tân Uyên đã lồng ghép 3 nguồn: Ngân sách huyện, tỉnh và bảo trợ xã hội dự phòng ngân sách xã, thị trấn. Giao Phòng Nông nghiệp phối hợp cơ quan liên quan, các xã, thị trấn có hộ di chuyển sắp xếp dân cư, khảo sát cụ thể địa điểm đi, đến đúng theo quy hoạch; bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời để người dân di chuyển, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn chi cho bảo vệ tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Nghiên cứu áp dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về bảo vệ môi trường, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Cũng theo ông Ngọ Doãn Bình, một trong những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH là tăng cường công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Năm 2018, Phòng đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã rà soát, quy hoạch vùng dự án, chủ động tập kết cây giống đảm bảo chất lượng để trồng rừng đảm bảo thời vụ, quy trình kỹ thuật và chất lượng rừng trồng, trồng rừng mới được 633,2/600ha, đạt 105,5% kế hoạch giao. Việc tăng cường trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng vừa góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH, đồng thời giữ được nước, phòng chống lũ quét, đảm bảo cuộc sống người dân.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: